Bị bỏng: Khi nào cần đến bệnh viện điều trị?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
03/05/2023 08:26 GMT+7

Da là cơ quan lớn nhất cơ thể, đóng vai trò như một lớp bảo vệ bên ngoài. Cấu tạo da chia ra làm nhiều lớp. Bỏng xảy ra khi các lớp này bị tổn thương do nhiệt độ. Tùy mức độ tổn thương và vùng da bị ảnh hưởng mà người bị bỏng có cần đến gặp bác sĩ hay không.

Vết bỏng có thể chia ra làm 3 cấp độ gồm bỏng độ 1, độ 2 và độ 3. Bỏng độ 1 chỉ ảnh hưởng ở lớp ngoài cùng của da, hay còn gọi là lớp thượng bì, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Bị bỏng: khi nào cần đến bệnh viện điều trị ? - Ảnh 1.

Dù bỏng ở cấp độ nào nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng thì cũng cần đến bệnh viện điều trị

SHUTTERSTOCK

Các nguyên nhân gây bỏng thượng bì phổ biến là do tiếp xúc với vật nóng trong nhà bếp, máy uốn tóc, cháy nắng. Da sẽ bị đỏ, rát, đôi khi sưng nhẹ. Loại bỏng này phổ biến và thường tự lành. 

Những cách điều trị vết bỏng độ 1 có thể áp dụng tại nhà là chườm lạnh, thoa dầu bôi trơn mỗi ngày vài lần hoặc uống thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nếu phạm vi vết bỏng lớn và gây đau rát quá mức thì cần đến bác sĩ kiểm tra thay vì để tự lành.

Bỏng cấp độ 2 là da bị tổn thương lớp thượng bì và một phần trung bì. Biểu hiện rõ nhất là da sẽ phồng rộp. Bỏng độ 2 thường không để lại sẹo nhưng mất ít nhất 3 tuần để lành. Nếu bị phồng rộp nghiêm trọng thì có thể mất nhiều thời gian hơn.

Trong khi đó, bỏng độ 3 lại nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến lớp hạ bì và có thể để lại sẹo. Lớp hạ bì nằm sâu dưới da, có tác dụng duy trì thân nhiệt và giảm xóc để hạn chế tổn thương da. Nhiều người có thể nghĩ rằng bỏng cấp độ 3 có thể sẽ rất đau đớn. Nhưng thực tế, người bị bỏng cấp độ này có thể không cảm thấy đau. Nguyên nhân là do vết bỏng nghiêm trọng gây tổn thương cả các dây thần kinh, làm ảnh hưởng đến cảm nhận đau.

Dù bỏng cấp độ nào nhưng nếu bị nhiễm trùng thì đều cần điều trị. Những dấu hiệu nhiễm trùng thường thấy là vùng xung quanh vết bỏng đổi màu, tổn thương có xu hướng ăn sâu vào da, chảy mủ xanh lục hoặc sốt.

Nạn nhân bị bỏng cũng nên liên hệ với bác sĩ nếu vết bỏng gây mất nước do tích tụ chất lỏng qua da. Những trường hợp này thường là vết bỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng diện rộng trên da. Các dấu hiệu mất nước gồm khát nước, chóng mặt, suy nhược và đi tiểu ít.

Nếu bạn đã vào bệnh viện điều trị bỏng và được trở về nhà thì vẫn cần phải theo dõi vết bỏng. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu vết bỏng sưng tấy, chảy dịch màu xanh, cò mùi hôi, ngày càng đau hay cảm thấy nóng khi chạm vào, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.