Chóng mặt không phải là bệnh mà là một triệu chứng, chẳng hạn như cảnh báo vấn đề sức khỏe nào đó ở não hoặc hệ thống tiền đình trong tai. Chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Người bị chóng mặt cần phải tránh rượu bia vì có thể khiến chóng mặt thêm nghiêm trọng |
SHUTTERSTOCK |
Đau nửa đầu, đa xơ cứng, tiểu đường hoặc bệnh rối loạn tai trong Ménière cũng có thể gây chóng mặt. Thậm chí, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng dẫn đến triệu chứng khó chịu này.
Ngoài ra, chóng mặt cũng có thể do những nguyên nhân rất nghiêm trọng như chấn thương sọ não hoặc khối u não. Khi bị chóng mặt, người bệnh cần phải tránh một số món vì chúng có thể khiến cơn chóng mặt nghiêm trọng hơn.
Rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia có thể gây chóng mặt và các triệu chứng liên quan như mất thăng bằng, buồn nôn, ói mửa. Với người đang bị chóng mặt, rượu bia sẽ khiến tình trạng này thêm nặng.
Rượu bia là thức uống lợi tiểu, tức tăng bài tiết nước ra khỏi cơ thể, từ đó dễ dẫn đến mất nước. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến chất dịch ở tai trong, khiến não không nhận được đúng các tín hiệu thăng bằng của cơ thể. Đây chính là nguyên nhân khiến rượu bia gây chóng mặt, choáng váng.
Caffeine
Những người nhạy cảm với caffeine hoặc mắc Ménière, căn bệnh rối loạn tai trong gây chóng mặt và mất thính giác, cần phải tránh các món có nhiều caffeine như cà phê, nước tăng lực hay một số loại trà.
Nạp một lượng lớn caffeine có thể khiến các mạch máu co lại và làm các triệu chứng của bệnh Ménière thêm nặng, trong đó có chóng mặt.
Món mặn
Hiệp hội Rối loạn Tiền đình (VeDA) Mỹ khuyến cáo những người mắc bệnh Ménière cần tránh ăn mặn quá nhiều vì có thể kích hoạt cơn chóng mặt.
Muối có trong rất nhiều loại thực phẩm mà chúng ta không để ý đến như bánh mì, thịt nguội, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến, một số loại ngũ cốc hay pho mát. Do đó, để giảm lượng muối nạp vào cơ thể, mọi người cũng cần tránh những món này, theo Healthline.
Bình luận (0)