Bị cáo Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, người bị đề nghị mức án nặng thứ 2 trong vụ án MobiFone mua AVG (sau bị cáo Nguyễn Bắc Son), cho rằng yếu tố chính ảnh hưởng đến dự án là sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Thông tin - Truyền thông, các trình tự, thủ tục tiến hành dự án và việc thẩm định giá của các tư vấn...
“Đầu vào sai thì đầu ra sai và nó thể hiện ở giá mua”, ông Trà nói. Bị cáo này bày tỏ nhất trí với tội danh được cáo trạng nêu, nhưng cho rằng, về hình phạt là quá nghiêm khắc đối với MobiFone và cá nhân bị cáo.
“Tôi chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở MobiFone, là những người lãnh đạo ưu tú đã xây dựng MobiFone trong những ngày đầu tiên, để trở thành mạng di động đầu tiên được yêu thích nhất, nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, liên tục nộp ngân sách nhà nước cao và có hiệu quả nhất: 5.000 - 7.000 tỉ/năm, trên vốn điều lệ 22.000 - 25.000 tỉ đồng”, bị cáo Lê Nam Trà nghẹn ngào trình bày.
“Bản thân bị cáo, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng thành viên, người đứng đầu, đã không đủ khả năng dẫn dắt (MobiFone) vượt qua các sức ép, quyết định của dự án, để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước tòa. Trách nhiệm này thuộc về tôi”, ông Trà nói tiếp.
Bị cáo cũng cho rằng, MobiFone đã thực hiện, lập và trình dự án theo chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông, thẩm định dự án của các đơn vị tư vấn và bản thân không tham vọng, đòi hỏi gì với Phạm Nhật Vũ, không tạo sức ép với cấp dưới và Ban Tổng giám đốc.
“Thực hiện dự án là nhu cầu của MobiFone và chịu chỉ đạo, quyết định (của cấp trên), với sức ép lớn về tiến độ, mật, nguyên trạng, quyết định 236, ký hợp đồng… Đây là những yếu tố gây đến những cái mà tôi không vượt qua được”, bi cáo Trà nêu.
Sau khi nhận thức được vấn đề đó, bị cáo đã thành khẩn hợp tác, tự thú, khắc phục hậu quả, nên mong Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát, pháp luật tha thứ, giảm nhẹ tội cho MobiFone và cá nhân mình.
Trước đó, trong phần tự bào chữa chiều 20.12, nguyên Phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên cho biết, trong dự án này, “người ta” đã cố tình chia nhỏ đầu việc, cố tình đưa dự án vào diện mật, để các cấp dưới như ông không có đủ thông tin để phản biện quyết liệt.
Cũng theo bị cáo Nguyên, trong năm 2015, “ông Lê Nam Trà là lãnh đạo, vừa là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy, nắm quyền lực tuyệt đối chi phối hoạt động của Tổng công ty. Ít có người nào dám trái lệnh hay làm trái ý”.
“Cá nhân tôi, trong thời gian đó, việc nêu các ý kiến xác đáng, việc phản đối thanh toán 5% cuối cùng đã tự tạo ra khó khăn cho mình trong công việc. Sang năm 2017, kết hợp với việc tôi từ chối ký văn bản giải trình Thanh tra Chính phủ cho các sai phạm của dự án này, ông Lê Nam Trà liên tiếp chỉ đạo Ban Tổng giám đốc kiểm điểm, kỷ luật tôi. Cho đến tận tháng 7.2017, khi ông ta nhận quyết định điều chuyển về Bộ Thông tin - Truyền thông thì cuộc sống, công việc của tôi mới ổn định trở lại”.
“Hôm đọc quyết định ông Lê Nam Trà về làm chuyên viên Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lúc đó đã nói đùa, người vui nhất là tôi. Thực tế là như vậy”, bị cáo Nguyên nói.
Nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cũng giãi bày về việc vì dự án là mật nên mình không được tiếp cận đủ thông tin. Bị cáo cũng đề nghị người đẩy cả ban lãnh đạo MobiFone đến tình trạng phải hầu tòa cần xem lại lương tâm mình.
Bình luận (0)