Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện án tử

21/12/2019 06:48 GMT+7

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son , cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông (TT-TT) mức án tử hình về tội nhận hối lộ.

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội nhận định trong vụ án MobiFone mua AVG, bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò đứng đầu, xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án và chỉ đạo quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện, đồng thời nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn và trước tòa chưa thực sự ăn năn, hối lỗi.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong giây phút bị đề nghị án tử hình - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Tư lợi bất chấp pháp luật

Ngày 20.12, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG bước sang phần tranh luận.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án và luận tội đối với từng bị cáo, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hầu hết bị cáo trong vụ án là người có chức vụ cao, giữ cương vị quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nhưng không giữ được phẩm chất, đạo đức; vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức trách được giao để thực hiện những hành vi sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản của nhà nước.
Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện án tử

Bị cáo Nguyễn Bắc Son

Nhận định về hành vi của bị cáo Nguyễn Bắc Son, đại diện Viện KSND cho rằng bị cáo có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án MobiFone mua AVG. Xuất phát từ động cơ tư lợi, bất chấp quy định của pháp luật, bị cáo đã có hành vi định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone sai phạm trong mua cổ phần của AVG. Bên cạnh đó, bị cáo có hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, là đặc biệt lớn, là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong các bị cáo bị khởi tố.

Viện kiểm sát luận tội Nguyễn Bắc Son: "Tha hóa vì hám lợi, cần xử lý nghiêm khắc"- Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Viện KSND đánh giá trong quá trình điều tra, bị cáo Son đã khai nhận hành vi phạm tội, thừa nhận vai trò của mình, nhưng việc thay đổi lời khai trước tòa cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn hối lỗi, chưa thấy rõ trách nhiệm vai trò của mình với hậu quả của vụ án và với cấp dưới. Do đó, Viện KSND đề nghị mức án 16 - 18 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, tử hình về tội nhận hối lộ. Buộc bị cáo nhận hình phạt chung là tử hình.

Xuất phát từ động cơ tư lợi, bất chấp quy định của pháp luật, bị cáo đã có hành vi định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone sai phạm trong mua cổ phần của AVG. Bên cạnh đó, bị cáo có hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, là đặc biệt lớn, là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong các bị cáo bị khởi tố 

Cũng với 2 tội danh trên, Viện KSND đề nghị mức án 23 - 25 năm tù đối với bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone. 
Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện án tử

Bị cáo Lê Nam Trà

Bị cáo Trà là người tiếp nhận chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son trong việc đầu tư dự án dịch vụ truyền hình bằng phương thức mua lại cổ phần của AVG. Bị cáo Trà nhận thức rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn nhưng vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng với AVG và nhận 2,5 triệu USD của Phạm Nhật Vũ. Bị cáo nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, lẽ ra phải khung cao nhất trong tội nhận hối lộ, nhưng bị cáo đã chủ động khai báo, viết đơn tự thú và nộp hết số tiền đã nhận nên đề nghị xem xét mức dưới khung.
Theo bản luận tội của Viện KSND, bị cáo Cao Duy Hải với vai trò là thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc MobiFone, đã nhận sự chỉ đạo của Lê Nam Trà, tích cực triển khai ký các quyết định tổ giúp việc, tổ thẩm định kỹ thuật, giao nhiệm vụ cho các phó tổng giám đốc... thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình.
Sau khi hoàn thành dự án, Cao Duy Hải nhận hối lộ 500.000 USD. Bị cáo về công tác tại MobiFone khi dự án đang được triển khai, khi được phân công, bị cáo đã có nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng thuận với việc thực hiện dự án, nhưng buộc phải thực hiện theo yêu cầu của Lê Nam Trà cũng như Quyết định 236 của Bộ TT-TT.
Do Cao Duy Hải đã cùng lãnh đạo MobiFone chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại, nên cần xem xét giảm nhẹ, áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đã truy tố. Bị cáo bị đề nghị mức án 14 - 16 năm tù với cả hai tội danh.
Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện án tử

Bị cáo Trương Minh Tuấn

Đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, cơ quan công tố nhận định với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ TT-TT, bị cáo đã ký nhiều văn bản để triển khai dự án, đặc biệt ký quyết định phê duyệt dự án khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, dẫn đến hậu quả MobiFone thực hiện dự án, ký các thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.
“Bị cáo ký Quyết định 236 trong hoàn cảnh thụ động, bị bắt buộc. Trong quá trình thực hiện dự án, đã nhiều lần nêu băn khoăn về hiệu quả dự án. Là người chủ động, tích cực trong chỉ đạo khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, giảm đi tính nguy hiểm của hành vi phạm tội”, đại diện Viện KSND nói, đồng thời nhận định bị cáo Tuấn cũng nhận số tiền ít nhất trong các bị cáo nhận hối lộ, đã tự thú, thành khẩn khai báo, tác động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền hối lộ nên cần áp dụng quy định giảm nhẹ đáng kể tội cho bị cáo.
Viện KSND đề nghị mức 6 - 7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 8 - 9 năm tù về tội nhận hối lộ. Hình phạt chung là 14 - 16 năm tù.

Đề nghị áp dụng triệt để đối với cựu chủ tịch AVG

Nhận định về hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Nhật Vũ, đại diện Viện KSND cho biết trước khi khởi tố vụ án, bị cáo đã chủ động tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại của MobiFone và các chi phí phát sinh liên quan đến dự án. Phạm Nhật Vũ đã tự thú về hành vi đưa hối lộ, tích cực phối hợp, cung cấp các tài liệu cho cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác.

Vì sao tỉ phú Phạm Nhật Vũ hối lộ 6.2 triệu USD nhưng chỉ đề nghị 3-4 năm tù - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Quá trình điều tra vụ án, Phạm Nhật Vũ nhận thức rõ, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình, tích cực khai báo với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Ngoài ra, bị cáo có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo VN... và đã được Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN có đơn ghi nhận Phạm Nhật Vũ đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa... và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo VN. Đại sứ quán Nga tại VN cũng đã có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối diện án tử

Bị cáo Phạm Nhật Vũ trả lời thẩm vấn

“Cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của bộ luật Hình sự năm 2015 để giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo Phạm Nhật Vũ”, Viện KSND đề nghị và đưa ra mức án đề nghị 3 - 4 năm tù.
Đối với các bị cáo còn lại có hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện Viện KSND đề nghị mức án 5 - 6 năm tù đối với Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT; 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù đối với Phan Thị Hoa Mai, cựu thành viên HĐTV MobiFone; Hồ Tuấn, cựu thành viên HĐTV MobiFone bị đề nghị 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
Các bị cáo là cựu Phó tổng giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long và Hồ Tuấn, thành viên HĐTV MobiFone, cùng bị đề nghị 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù. Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc, được cho là có vai trò thấp hơn các phó tổng giám đốc khác, bị đề nghị mức 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Võ Văn Mạnh, Tổng giám đốc AMAX, người giữ vai trò chính trong việc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thẩm định giá, thổi giá của AVG lên đến hơn 16.500 tỉ đồng, bị đề nghị mức 4 - 5 năm tù; bị cáo Hoàng Duy Quang, thẩm định viên của AMAX có vai trò đồng phạm tích cực với Võ Văn Mạnh bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù.

 Cấp dưới thì không thể dũng cảm để đưa ra nhận định trái chiều ?

Tự bào chữa trước tòa, các bị cáo là phó tổng giám đốc và thành viên HĐTV của MobiFone đều nhận thức rõ sai phạm của dự án là giá mua cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của AVG. Tuy nhiên, các bị cáo khai, việc dự án được đóng dấu mật khiến họ không thể tiếp cận thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG, không thể đưa ra ý kiến phản biện, nên chỉ làm theo chỉ đạo.
Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ “rất sốc” khi nghe luận tội. Theo bị cáo Hùng, “rất nhiều người không hiểu, nhưng dự án đóng dấu mật đối với chúng tôi là đặc biệt khó khăn. 26 năm làm việc, tôi chưa bao giờ tham gia một dự án nào đóng dấu mật. Điều này mang tính quyết định, khiến chúng tôi không biết làm thế nào, chúng tôi muốn phản biện nhưng không đủ cơ sở để đưa ra đánh giá khách quan. Viện kiểm sát, HĐXX cần xem xét tình tiết này rất cẩn trọng”.
Cũng đưa ra những lý do tương tự, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cho rằng bị cáo tham gia dự án khi mọi việc đã được quyết định và bị cáo “không thể dũng cảm đến mức đưa ra nhận định trái chiều trong khi là cấp dưới”. Do đó, luật sư đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, khi tự bào chữa trước tòa cũng cho rằng: “Người ta cố tình chia nhỏ dự án, đưa vào diện mật để những người yêu quý MobiFone không có cái nhìn toàn cảnh”, từ đó cũng biện giải là một trong những lý do khiến bị cáo phải tham gia vào dự án khi không có đầy đủ thông tin để phân biệt phải trái... Bị cáo này và luật sư mong muốn được HĐXX xem xét cho được miễn trách nhiệm hình sự.

Nguyễn Bắc Son được tòa đánh giá có trí nhớ cực tốt 

Trong chiều 20.12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã tự bào chữa kéo dài 1 giờ 25 phút nhưng nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở bởi trình bày lặp lại nhiều nội dung thể hiện trong quá trình thẩm vấn: “Bị cáo có trí nhớ cực kỳ tốt, việc này giúp cho HĐXX đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo trong vụ án”, thẩm phán Trương Việt Toàn đánh giá.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận tổng quan cáo trạng truy tố ông là đúng người, đúng tội. Nhưng việc ông có bút phê vào các văn bản chỉ đạo cấp dưới xuất phát từ những lý do khách quan. Theo đó, việc MobiFone đề xuất xin chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình là do bản thân MobiFone đề nghị. Khi nhận được văn bản đề nghị của MobiFone, ông đã bút phê đề nghị Vụ Quản lý doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất.
“Bút phê với nội dung mở, chứ tôi không yêu cầu Vụ phải đề xuất cho mua hay không cho mua”, bị cáo Son giải thích và cho rằng có những vấn đề thuộc trách nhiệm của cấp dưới nhưng tất cả đều tập trung đổ trách nhiệm về phía bị cáo. Bị cáo Son cũng nhiều lần cho rằng mình không quyết liệt chỉ đạo cấp dưới và MobiFone phải mua bằng được cổ phần AVG trong năm 2015 và đề nghị giám định các tài liệu liên quan để làm rõ…
Trong bài bào chữa, bị cáo Son khai rằng biết rõ những ý kiến mình liên quan đến đồng chí, đồng nghiệp và cấp dưới là bị cáo trong vụ án nhưng không phải mục đích tăng hình phạt cho họ. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét để khoan hồng cho nhiều bị cáo trong vụ án được hưởng án treo. “Hôm qua, tôi đã gặp gia đình và đề nghị sớm khắc phục hậu quả cho tôi. Trong những ngày tới, gia đình tôi sẽ cố gắng khắc phục hậu quả”, bị cáo Son trình bày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.