Đối với những hành vi vi phạm dẫn đến làm lây lan dịch bệnh Covid-19, thì ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, các luật sư cho rằng cần yêu cầu những người vi phạm phải bồi thường thiệt hại vật chất được lấy từ ngân sách nhà nước để lo cho công tác phòng chống dịch.
Vụ “tiếp viên VNA” gây thiệt hại 4,4 tỉ đồng
Dự kiến, ngày 30.3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm Dương Tấn Hậu (28 tuổi) - bệnh nhân 1342, là nam tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240, bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 28.11.2020, sau khi Hậu trở về từ vùng có dịch Covid-19 (Nhật Bản), Hậu được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của VNA khu vực phía nam. Tại đây, Hậu đã tiếp xúc với N.T.H và N.T.N (sau này 2 người này được xác định dương tính Covid-19).
Tại khu cách ly tập trung VNA, qua 2 lần xét nghiệm đều âm tính, Hậu được cơ sở cách ly cho về cách ly tại địa phương đến hết ngày 28.11.2020. Tuy nhiên, khi cách ly tại địa phương, Hậu đã vi phạm các quy định cách ly: rời khỏi nhà trọ và cùng L.M.S đi ăn, uống cà phê; ngày 22.11.2020, Hậu còn tham gia thi tiếng Anh tại Trường đại học HUTECH. Đến ngày 28.11.2020, Hậu có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ngày 30.11.2020, lần lượt 3 người tiếp xúc với Hậu và L.M.S đều dương tính với Covid-19.
Cáo trạng nêu, Hậu biết Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, nhưng Hậu không thực hiện đúng các quy định cách ly tại nơi cư trú. Vì vậy, Hậu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Về tính chất, mức độ thiệt hại trong vụ án, Sở Y tế TP.HCM xác định thiệt hại từ việc Hậu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là gần 2,8 tỉ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2 của Hậu. Về chi phí đã sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp do tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính liên quan trong vụ án, UBND TP.HCM và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM xác định chi phí chi ra là hơn 1,6 tỉ đồng. Từ đó, CQĐT xác định toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ án là hơn 4,4 tỉ đồng (được chi từ nguồn ngân sách).
Đây không phải là vụ đầu tiên xảy ra thực trạng vi phạm cách ly, phòng dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh. Trước đó, nhiều tỉnh, thành cũng xét xử nhiều vụ án tổ chức cho người khác nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Song vấn đề bồi thường trong công tác phòng chống dịch Covid-19 lại chưa được đề cập đến.
Có mối quan hệ nhân quả, phải bồi thường
Các hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid-19, làm lây lan dịch bệnh, theo các chuyên gia pháp luật, ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự, cần yêu cầu người vi phạm gây thiệt hại phải bồi thường, nhằm tạo sự răn đe và phòng ngừa chung.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM) cho biết căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, là khi người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân… hoặc của chủ thể khác mà gây thiệt hại.
“Nguyên tắc bồi thường thiệt hại, theo điều 585, bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, luật sư Cảnh nhấn mạnh.
Dương Tấn Hậu bị Viện KSND TP.HCM truy tố theo điểm c, khoản 1, điều 240 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
|
Qua đó, đối với vụ nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh và các hành vi vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 làm lây lan dịch bệnh, theo luật sư Cảnh, sau khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan có yêu cầu giải quyết bồi thường cũng phải dựa theo các nguyên tắc của luật dân sự, và khi có yêu cầu, tòa sẽ giải quyết.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong những vụ án hình sự, chính là phần dân sự trong hình sự. Hành vi của người phạm tội khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong bộ luật hình sự, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm còn gây thiệt hại và có đơn yêu cầu của cá nhân, tổ chức liên quan, thì tòa sẽ phải xem xét việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Luật sư Chánh phân tích trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ phát sinh khi có đầy đủ 4 yếu tố: Có hành vi trái pháp luật so với quy định; có thiệt hại xảy ra; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật (thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại); phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Vì vậy, luật sư Chánh nêu, trong các vụ án mà hành vi phạm tội của bị can, bị cáo làm phát sinh, lây lan dịch bệnh, dẫn đến hậu quả là cơ quan nhà nước phải huy động lực lượng, áp dụng các biện pháp cần thiết, phát sinh chi phí thiệt hại vật chất, để phòng chống dịch Covid-19, thì bên bị thiệt hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan có quyền làm đơn yêu cầu người có hành vi vi phạm bồi thường. Khi đó, tòa sẽ xem xét giải quyết phần bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự hoặc có thể tách ra để các bên giải quyết trong một vụ án dân sự khác.
Bình luận (0)