Bị đình chỉ, nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động

03/01/2024 06:33 GMT+7

Dù bị đình chỉ, tước giấy phép hoạt động nhưng nhiều thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp tại TP.HCM vẫn mở cửa đón khách.

Cuối tháng 11.2023, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt ông T.T.T (thường gọi là Mr.Lee, 15 Nguyễn Quý Cảnh, P.An Phú, TP.Thủ Đức) 30 triệu đồng. Đây là lần thứ hai Mr.Lee bị xử phạt trong vòng 2 tháng (lần trước bị phạt 115 triệu đồng). Mr.Lee dù không có bằng cấp chuyên môn, giấy phép hoạt động (GPHĐ) khám chữa bệnh (KCB) nhưng quảng cáo và phẫu thuật thẩm mỹ bất chấp pháp luật, thách thức cơ quan chức năng. Phải đến khi kiểm tra, xử phạt lần thứ 2 thì Mr.Lee mới tạm dừng. Nhưng đây không phải là hiện tượng cá biệt.

Bị đình chỉ, nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động- Ảnh 1.

Người xưng là bác sĩ Th. đang tư vấn làm đẹp cho PV tại Viện thẩm mỹ D

DU YÊN

Bị tước giấy phép, phòng khám thẩm mỹ vẫn đón khách

Từ ngày 2.12.2023, Viện thẩm mỹ D. (đường Lê Hồng Phong, Q.10) đã bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 141 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPHĐ 4 tháng do có nhiều vi phạm về KCB, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề (CCHN) của bác sĩ (BS) T.C.T (phụ trách chuyên môn) 3 tháng. Mặc dù đang trong thời gian bị tước GPHĐ, nhưng cơ sở vẫn quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Facebook, TikTok… về dịch vụ cắt mí, nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ.

Chiều 9.12, trong vai khách hàng có nhu cầu nâng mũi, PV Báo Thanh Niên đến Viện thẩm mỹ D. Nữ nhân viên tại đây giới thiệu các gói nâng mũi giá 45 - 55 triệu đồng và 65 triệu đồng, tùy từng loại sụn nâng mũi.

Bị đình chỉ, nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động- Ảnh 2.

Bác sĩ phòng khám A. (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) tư vấn làm đẹp cho PV

DU YÊN

Khoảng 5 phút sau, nữ nhân viên giới thiệu một BS tên Th. (không đeo bảng tên) là người tiếp tục tư vấn các dịch vụ nâng mũi cho PV. Sau khi biết tài chính của PV chưa đủ để đăng ký các gói đã tư vấn, BS tư vấn đã bỏ đi và nữ nhân viên nhanh chóng gợi ý giảm giá còn 35 triệu đồng cho gói nâng mũi bán cấu trúc...

Tương tự, Công ty TNHH phòng khám (PK) A. (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) bị Thanh tra Sở Y tế tước quyền sử dụng GPHĐ 4 tháng (kể từ tháng 11.2023) và phạt 104 triệu đồng; tước quyền sử dụng CCHN KCB của BS T.T.T.M (người chịu trách nhiệm chuyên môn KCB) 3 tháng. Tuy nhiên, PK A. vẫn ngang nhiên quảng cáo tràn lan các dịch vụ làm đẹp trên mạng xã hội, vẫn đón khách làm "chui".

PV đặt lịch hẹn thông qua fanpage của PK A. Khi biết PV có nhu cầu điều trị mụn, nhân viên PK tư vấn liệu trình trị mụn và hẹn chiều 9.12 đến để điều trị. Đúng lịch hẹn, PV được dẫn lên phòng tư vấn và soi khám da. 5 phút sau, nữ nhân viên PK cùng một BS (không đeo bảng tên) bước vào phòng. Sau khi soi da, nữ BS đưa ra các liệu trình trị liệu cho PV.

Vị BS này cho biết PV có mức độ mụn viêm khá nặng nên đã đưa ra liệu trình là 7 triệu đồng với 5 lần trị mụn viêm. Mỗi lần cách nhau từ 7 - 15 ngày. Khi thấy PV đắn đo với các gói trị mụn, nữ nhân viên gợi ý PV đóng trước 5 triệu đồng, còn 2 triệu đồng "khi nào có thì đóng".

Khi PV hỏi "Thấy trên mạng rằng PK đã bị tước GPHĐ?", nữ nhân viên lập tức phân trần: "Vừa rồi bên chị thay đổi giấy phép, hồi trước bên chị chỉ chuyên về da liễu nhưng hiện tại bên chị chuyển qua vừa da liễu vừa phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi thay đổi giấy phép, những PK đối thủ đã tung những link báo lá cải (?)".

Bị đình chỉ, nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động- Ảnh 3.

Phòng khám A. vẫn hoạt động dù bị đình chỉ

DU YÊN

Quận, huyện nói gì?

Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, sau khi kiểm tra, xử lý các cơ sở, Thanh tra có văn bản thông báo cho UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức để giám sát việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC). Và sau đó các địa phương có báo lại cho Sở Y tế.

"Thanh tra Sở Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát việc thi hành quyết định xử phạt VPHC. Trong đó có hoạt động ghi nhận thông tin trên mạng xã hội để xử lý theo quy định. Với quận, huyện, việc quản lý hành nghề y tư nhân là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của y tế các địa phương", đại diện Thanh tra Sở Y tế nói.

Trả lời câu hỏi: "Giám sát các cơ sở đã bị đình chỉ như thế nào để không hoạt động chui?", đại diện Phòng y tế TP.Thủ Đức nói rằng: "Thông thường sẽ giao về cho phường giám sát, kiểm tra và xử lý. Như Mr.Lee, sau 2 lần bị phạt, vừa rồi TP.Thủ Đức đề nghị truy tố nên mới nghỉ, chứ không họ cứ "nhây" ra vậy".

"Có cơ sở thẩm mỹ thách thức thẳng luôn là: "Phạt thì cứ phạt đi, tôi vẫn làm bình thường". Mặc dù có công an, dân phòng đứng đó nhưng họ vẫn đi vô đóng cửa và làm. Có cơ sở xây dựng các điểm vệ tinh khác, có khách là họ đưa tới đó làm. Phạt chỗ này, họ thuê chỗ khác để làm, mấy năm trước họ thuê mấy chung cư, khách sạn để làm", vị này nói.

Còn theo đại diện Phòng y tế ở một quận trung tâm TP.HCM, định kỳ 1 - 2 tuần Sở Y tế phải gửi về danh sách cơ sở bị kiểm tra, đình chỉ để Phòng y tế ra văn bản gửi Chủ tịch UBND phường đề nghị kiểm tra, chấp hành. "Thứ nhất là việc đóng phạt hành chính đối với những cơ sở không bị đình chỉ. Những cơ sở bị đình chỉ thì sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm vụ đóng phạt, nghiêm túc thực hiện việc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định của Thanh tra Sở Y tế. Tuy nhiên, thực tiễn một số trường hợp vẫn còn hoạt động dù bị đình chỉ. Mấy trường hợp hoạt động lén lút, hoạt động chui thì phải kiểm tra kỹ, chấn chỉnh ngay", vị này nói và cho rằng việc tái hoạt động trong thời gian bị đình chỉ thì phải phạt "bồi" thêm…

Phân tích nguyên nhân các cơ sở làm đẹp vừa không phép vừa xem thường luật pháp, đại diện một phòng y tế cho rằng, luật pháp hiện còn lỏng lẻo; không có biện pháp chế tài hữu hiệu. Đáng lẽ với các trường hợp như nêu trên phải truy tố và xử lý nghiêm nhưng hiện chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới truy tố.

Ngoài ra, hiện nay có điều khoản của luật không xử lý được, như xử phạt VPHC mà họ không đóng, bỏ cơ sở mà không có một chế tài nào hữu hiệu. Việc giám sát chi tiết các cơ sở bị đình chỉ khá khó, vì khi xử lý xong thì họ nhanh chóng làm giấy tờ lại. Ngày trước có quy định là tại địa điểm vi phạm không được cấp giấy phép trùng ngành nghề đó nữa. Còn bây giờ người này vi phạm thì có người khác "nhảy" vô đổi tên rồi hoạt động tiếp… Mặt khác, còn một số đối tượng chống đối, phải kiểm tra thêm 2, 3 lần thì mới đóng cửa được.

Có điều khoản truy tố trách nhiệm hình sự

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng những trường hợp tái phạm trong khi bị đình chỉ thì có một số điều khoản liên quan đến truy tố trách nhiệm hình sự theo khoản 4 điều 1 Nghị định 117 ngày 28.9.2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 điều 2 Nghị định 124 ngày 28.12.2021 của Chính phủ. Theo đó, khi phát hiện hành vi tái phạm thì cơ quan chức năng căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, xét thấy có dấu hiệu tội phạm theo quy định của điều luật tương ứng trong bộ luật Hình sự, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự theo quy định.

Và Sở Y tế cũng đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra, như mới đây vụ Viện thẩm mỹ Pfizer.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.