Bị huyết áp cao, lúc nào cần đến bệnh viện cấp cứu?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
01/10/2022 09:07 GMT+7

Huyết áp cao là một trong những yếu tố chính dẫn đến tim mạch và đột quỵ. Trong một số trường hợp, huyết áp tăng cao có thể gây tử vong.

Trên thực tế, huyết áp lên cao không phải lúc nào cũng xuất hiện triệu chứng đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, chảy mái cam hay nhức đầu. Nhiều trường hợp huyết áp cao diễn ra âm thầm mà người bệnh không hề hay biết, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Nếu huyết áp tăng cao gây ra các triệu chứng như đau ngực, đau lưng, khó thở, mờ mắt và tê yếu thì cần phải đến bệnh viện ngay

SHUTTERSTOCK

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính khoảng 1/3 người bị cao huyết áp ở nước này không biết mình đang mắc bệnh. Đó là lý do vì sao huyết áp cao được gọi là kẻ giết người thầm lặng.

Một số thói quen trong lối sống như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao. Các yếu tố về di truyền, tuổi cao và trọng lượng cơ thể lớn cũng góp phần gây huyết áp cao.

Chỉ số huyết áp bình thường của con người là từ 120/80 mm thủy ngân trở xuống, trên mức này được xem là huyết áp cao. Tuy nhiên, nếu huyết áp tăng hơn mức 180/120 mm Hg thì cần phải can thiệp.

Các triệu chứng khi đó sẽ là đau ngực, đau lưng, khó thở, mờ mắt và tê yếu. Một số người còn bị đau đầu dữ dội, lo lắng, buồn nôn, lú lẫn hoặc co giật. Lúc này, người bệnh phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Để ngăn tình trạng này, huyết áp cao cần phải được điều trị. Nếu không, bệnh có thể dẫn đến các rối loạn chức năng thận, đau tim, bệnh động mạch ngoại vi và các vấn đề thị lực khác. Trong một số trường hợp, huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến não và gây ra chứng sa sút trí tuệ do mạch máu, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.