Không phải tất cả các cơn đau tim đều biểu hiện bằng đau ngực. Ngược lại, không phải tất cả các cơn đau ngực đều là cơn đau tim.
Sau đây là các dấu hiệu cơn đau ngực báo hiệu cơn đau tim, theo eatthis.com.
Vậy đau ngực như thế nào là cơn đau tim?
Nếu cảm thấy tức ngực hoặc đau thắt ở giữa ngực hoặc ở hàm, cổ, cánh tay, lưng hoặc đau ở bụng, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng: Buồn nôn, mệt mỏi, xây xẩm, choáng váng. Hãy gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt vì đó rất có thể là cơn đau tim.
Cơn đau tim kéo dài bao lâu?
Cơn đau do nhồi máu cơ tim thường không ngừng, và thường kéo dài từ 5 phút cho đến nửa giờ, hiếm khi kéo dài đến 2 tiếng.
Nghi ngờ mình hay người khác đang bị đau tim, hành động ngay lập tức có thể cứu được mạng sống. Vì vậy, điều quan trọng là gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt, theo eatthis.com.
Những dấu hiệu khác để nhận biết cơn đau ngực là cơn đau tim
Tuy nhiên, có những cơn đau ngực nhanh và thoáng qua, có thể do nguyên nhân khác, thậm chí còn không phải do bệnh tim mạch.
Nhiều bộ phận khác có thể gây đau ngực, như phổi, thực quản và nhiều cơ quan khác. Do đó, có một số dấu hiệu để phân biệt cơn đau ngực là cơn đau tim sau đây, theo eatthis.com.
Cơn tức ngực trở nên nặng hơn nếu tập thể dục: Cơn đau tim
Cơn đau liên quan đến tim có xu hướng trở nên nặng hơn khi tập thể dục.
Nhưng nếu cơn đau ngực giảm bớt khi tập thể dục, thì đó không phải là đau tim.
Những cơn đau nhói ở ngực sẽ giảm bớt khi hoạt động thể chất có nhiều khả năng là do nguyên nhân khác, như trào ngược a xít.
Đau nhói ở ngực lan tỏa ra xung quanh: Cơn đau tim
Đau tim thường lan tỏa ra xung quanh.
Còn nếu cảm thấy cơn đau nhói ngực ở một vị trí nhất định, thì có thể không liên quan đến tim, theo eatthis.com.
Đau ngực không nặng hơn khi hít thở: Cơn đau tim
Còn nếu đau ngực trở nên nặng hơn khi hít thở thì đó khó có thể là cơn đau tim.
Nếu nhịp thở ảnh hưởng đến cơn đau ngực, đó có thể là viêm màng ngoài tim hoặc bệnh về phổi, như viêm phổi hoặc hen suyễn.
Mỗi lần đau ngực đều đau cùng một chỗ: Cơn đau tim
Mặc dù cơn đau tim có thể lan ra cánh tay, cổ, lưng hoặc hàm, nhưng nó hiếm khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác vào những ngày khác nhau.
Còn nếu đau ngực mỗi ngày lại xảy ra ở các khu vực khác nhau, ví dụ, ngày đau bên trái, ngày đau bên phải, thì đó không phải là cơn đau tim.
Đau ngực không ngừng, kéo dài ít nhất vài phút: Cơn đau tim
Cơn đau liên quan đến tim thường không ngừng, và kéo dài ít nhất vài phút.
Còn nếu cơn đau tức thời, thoáng qua như điện giật thì không phải là cơn đau tim, theo eatthis.com.
|
Nếu cơn đau ngực chỉ là thoáng qua, có thể là do chấn thương cơ xương, giãn cơ, đau dây thần kinh, hoặc do bệnh zona ở ngực gây ra.
Những nguyên nhân liên quan đến tim gây đau ngực
Cơn đau tim là do các động mạch bị tắc vì bị xơ vữa động mạch. Nhưng có những bệnh về tim cũng gây đau ngực, nhưng không phải do tắc động mạch,
Bóc tách động mạch chủ: Đây là tình trạng nghiêm trọng, trong đó lớp bên trong của động mạch chủ bị rách. Máu lấp đầy vết rách, làm cho lớp trong và lớp giữa của động mạch chủ tách ra hoặc rách ra từng mảnh. Nếu vết rách xuyên qua thành phía ngoài của động mạch chủ, khả năng gây tử vong cao, theo eatthis.com.
Bệnh cơ tim: Bệnh cơ tim là cơ tim bị dày lên hoặc to ra, khiến nó trở nên cứng hơn, hoặc cơ tim biến thành sẹo. Khi tình trạng này trở nặng, tim trở nên yếu hơn - và ít có khả năng bơm máu đi khắp cơ thể và không thể duy trì nhịp đập bình thường.
Viêm cơ tim: Viêm cơ tim có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây ra nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim bất thường, thường do nhiễm virus, cũng có thể do phản ứng với thuốc.
Viêm màng ngoài tim: Hầu hết mọi người sẽ khỏi bệnh trong vòng từ 7 đến 10 ngày và không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Những bệnh không liên quan đến tim cũng gây đau ngực
Đau ngực không phải là cơn đau tim cũng có thể là do vấn đề từ các bộ phận khác gây ra.
Đau do bệnh đường tiêu hóa: Chứng ợ nóng hay trào ngược a xít mạn tính, hoặc co thắt thực quản.
Đau cơ xương: Không tập thể dục lâu ngày, khi tập lại có thể gây căng cơ ngực - cũng gây đau ngực.
Bệnh về phổi: Viêm phổi hoặc viêm màng phổi có thể gây đau tức ngực - cũng dễ bị nhầm với cơn đau tim.
Cơn hoảng loạn: Các cơn hoảng sợ có thể biểu hiện bằng các triệu chứng giống như cơn đau tim khiến nhiều người tin rằng họ đang ngừng tim. Căng thẳng nặng, các sự kiện đau buồn hoặc thay đổi cuộc sống đột ngột có thể dẫn đến cơn hoảng loạn.
Các cơn hoảng loạn thường đạt đến đỉnh điểm trong vòng 10 phút, trong khi các triệu chứng đau tim có thể bắt đầu từ từ và kéo dài trong thời gian dài hơn, theo eatthis.com.
Đau ngực có thể đáng sợ, bất kể nguyên nhân là gì. Nhưng để chắc chắn, hãy lắng nghe cơ thể.
Nếu bị đau dữ dội ở ngực, lan đến cổ, hàm, cánh tay hoặc lưng - kèm theo buồn nôn, ngất xỉu, khó thở và đổ mồ hôi lạnh, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, theo eatthis.com.
Bình luận (0)