Bi kịch kẻ sĩ trong 'Khóc giữa trời xanh'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
10/01/2022 06:39 GMT+7

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng vừa ra mắt vở diễn đầu tiên của Công ty Sử Việt do anh làm giám đốc, Khóc giữa trời xanh (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Phùng Nguyên), ở Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM (từ ngày 3 - 17.1).

Nếu không kể Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) là vở cũ đã diễn được mười mấy suất nay đem ra dự thi, thì Khóc giữa trời xanh là vở kịch lịch sử duy nhất dựng mới trong liên hoan, chứng tỏ nỗ lực rất cao của giới nghệ sĩ trong tình hình khó khăn hiện nay.

Làm kịch sử công phu và tốn kém vô cùng, vậy mà một người “ngoại đạo” như Sĩ Hoàng dám vào cuộc, và tiêu chí của anh là hướng đến giới trẻ, mong họ hiểu sử Việt, yêu sử Việt.

NSƯT Tuyết Thu (vai Vân Dung thái hậu) và Sĩ Hoàng (vai Thái sư Lê Văn) trong vở Khóc giữa trời xanh

H.K

Khóc giữa trời xanh nói về bi kịch của Thái sư Lê Văn Thịnh thời vua Lý Nhân Tông. Nhưng tác giả Lê Chí Trung đã cẩn thận tránh bị “soi”, và để có thể hư cấu nghệ thuật dễ dàng hơn, bằng cách thay đổi tên các nhân vật. Vì vậy, nhân vật chính đã trở thành Thái sư Lê Văn (Sĩ Hoàng đóng), cùng các Vân Dung thái hậu (NSưT Tuyết Thu), Mai Hoa thái hậu (nghệ sĩ Phương Minh)… mang bóng dáng các thái hậu Ỷ Lan, Thượng Dương. Câu chuyện tranh quyền đoạt vị, án oan, những cái chết tức tưởi đã được kể lại, nhưng đào sâu nỗi niềm của từng con người, công tội đi đôi, ăn năn, bù đắp…

Thái sư Lê Văn nằm trong dòng xoáy đó. Ông quá tài giỏi khiến cho bọn quan bất tài ghen ghét, quá trung thực, thẳng thắn khiến cho thái hậu sợ hãi, dè chừng. Ông đã đấu tranh với chính mình và kiên quyết lật lại những oan án xưa kia, trả lại thanh danh cho Mai Hoa thái hậu, dù bị hãm hại, giam cầm.

Bi kịch của kẻ sĩ là không thể an phận, nhắm mắt làm ngơ trước những tiêu cực, và khi họ lên tiếng tức là rước hiểm nguy vào thân. Thà vậy, còn hơn bị dằn vặt, cắn rứt, tự thấy mình hèn mọn, nhục nhã. Thái sư Lê Văn đã chọn con đường chính trực mà đi, và vụ án hồ Dâm Đàm chỉ là một nút thắt đau đớn trong tiến trình đấu tranh.

“Ông bầu” Sĩ Hoàng đã chăm chút cho vở diễn đúng như sự khó tính của anh. Đẹp từ cảnh trí cho tới trang phục, hóa trang, đủ để đứng trên một sân khấu lớn. Bất ngờ hơn, Sĩ Hoàng vào vai chính Thái sư Lê Văn cũng là một sự mạo hiểm. Anh từng làm quen với kịch qua các vở của Hoàng Thái Thanh và Nhà hát Thế Giới Trẻ, bây giờ vì đam mê và tâm huyết mà mở công ty biểu diễn riêng. Anh tập luyện kỹ lưỡng, chăm chút từng câu thoại, từng nét biểu cảm trên gương mặt, hành động, quả thực đáng khen. Tuy nhiên, hơi tiếc, hình như khí chất mềm mại, dịu dàng của Sĩ Hoàng chưa đủ để bật lên một Thái sư gai góc, mạnh mẽ, kiêu hãnh.

Nhân vật bật sáng chính là NSưT Tuyết Thu trong vai Vân Dung thái hậu. Một người vừa có công vừa có tội, vừa giữ yên san hà xã tắc vừa hãm hại biết bao người. Về sau bà ăn năn, ngày đêm tu niệm, khuyên dạy vua phải sống tiết kiệm, chăm lo việc nước, luôn nghĩ tới dân. Thần thái của Tuyết Thu đúng là bậc mẫu nghi thiên hạ, thay chồng chống giữ đất nước nên không thể yếu mềm, mà phải giỏi, phải quyết đoán.

Tuyết Thu bên ngoài cực kỳ hiền dịu, nhưng chị hóa thân rất tốt vào một nhân vật trái ngược với mình, và hầu như chị thu hút tất cả sự tập trung, tất cả cảm xúc của khán giả. Chị chính là điểm sáng nhất của vở kịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.