Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bệnh nhân ăn cơm chiều với cá biển. Sau khi ăn cơm thì có cảm giác nuốt vướng, đau nhiều vùng cổ, nghi bị mắc xương cá. Lúc này bệnh nhân dùng cơm nguội với hy vọng xương sẽ trôi xuống. Sau đó, bệnh nhân vẫn cảm giác đau họng, đau nặng sau xương ức ngày càng nhiều nhưng vẫn cố gắng chịu đau đến sáng. Sau đó bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long để kiểm tra.
Ngày 4.7, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trọng Tường (khoa Nội soi) cho biết tại bệnh viện, sau khi tiến hành thăm khám và khai thác thông tin từ bệnh nhân, các bác sĩ ra chỉ định nội soi và phát hiện dị vật thực quản đoạn 1/3 dưới, loét nông niêm mạc thực quản tại vị trí dị vật kẹt, loét nông đoạn 2/3 trên thực quản, có ít mủ ở một cạnh xương nhọn đâm.
Các bác sĩ đã nhanh chóng gắp dị vật bằng dụng cụ chuyên dụng, kiểm tra thấy vết loét nông tại vị trí xương bị kẹt. Sau nội soi, bệnh nhân thấy bớt khó chịu, nuốt không vướng.
Bác sĩ Tường cho biết, thời gian qua bệnh viện liên tiếp tiếp nhận rất nhiều trường hợp hóc dị vật như nuốt phải viên thuốc còn nguyên vỏ, hóc xương động vật, nuốt phải hàm răng giả...
Thông thường, khi bị hóc dị vật như các loại xương cá, que tăm… thì người dân thường cố gắng khạc, dùng tay móc lấy xương hoặc ăn miếng cơm lớn để nuốt xuống dạ dày… Nhưng thực tế, những việc làm này sẽ làm cho viêm mạc họng bị trầy xước, nhiễm trùng, viêm nhiễm đường họng. Khi nuốt thêm còn làm cho xương xuống sâu, hoặc cắm sâu hơn khiến cho việc lấy xương gặp nhiều khó khăn.
"Trong trường hợp không may nuốt phải dị vật, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp. Tuyệt đối người bệnh không chữa hóc dị vật bằng các mẹo dân gian như nuốt nắm cơm, vỗ đầu… làm dị vật mắc sâu hoặc tổn thương đường tiêu hóa nhiều hơn, rất dễ có nguy cơ thủng thực quản...", bác sĩ Tường khuyến cáo.
Bình luận (0)