Trong đó, không ít trường hợp bị lừa bằng thủ đoạn không thể ngờ tới: email giả.
Email giả, mất tiền thật
Qua theo dõi quá trình giao dịch giữa doanh nghiệp (DN) VN và đối tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ lừa đảo ở nước này đã giả mạo email của DN nước này để yêu cầu DN VN chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Phía VN đồng ý và chuyển tiền, kết quả số tiền đã rơi vào tay kẻ gian. Sự vụ xảy ra vào đầu năm nay và Thương vụ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là bài học cho các DN VN không chú trọng về bảo mật thông tin khi làm việc với đối tác nước ngoài. “Các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn nhiều, với nhiều hình thức như sử dụng tin tặc thâm nhập địa chỉ thư điện tử của hai bên DN đang có giao dịch để đánh cắp thông tin, giả mạo nội dung giao dịch nhằm yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của kẻ lừa đảo...”, Thương vụ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến báo.
Tình trạng giả mạo email để lừa đảo không mới, bởi trong năm 2015 đã ghi nhận một số trường hợp tương tự như trên. Theo Thương vụ VN tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), năm ngoái một DN VN đã chuyển đi số tiền gần 500.000 USD vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Mặc dù Thương vụ đã can thiệp với Ngân hàng Noor Bank của UAE (tài khoản của đối tượng lừa đảo nằm tại ngân hàng này), nhưng đối tượng đã kịp rút 2/3 số tiền. Chiêu thức mà kẻ lừa đảo sử dụng là xâm nhập địa chỉ email của hai bên DN đang có giao dịch, theo dõi sát tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng thì bẻ khóa (hack) hộp mail (hoặc tạo 1 hộp mail có địa chỉ giống gần như tuyệt đối với mail của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền, đối tượng ngay lập tức rút tiền và biến mất. Năm 2015, Thương vụ VN tại UAE ghi nhận 8 vụ việc DN VN bị lừa đảo và tham gia ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho DN gần 4 triệu USD.
|
|
Cẩn thận vẫn hơn
Ông Phan Thành Tâm, giám đốc một DN thương mại ở TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm khi giao dịch với đối tác nước ngoài, theo đó, nên dùng email của công ty thay vì sử dụng Gmail, Yahoo... để tránh bị giả mạo. Ngoài ra cũng cần liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua những kênh khác là điện thoại, fax. Đặc biệt, khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết thì nhất thiết phải kiểm tra lại.
Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, cho rằng vấn nạn gian lận thương mại trong hội nhập ngày càng phổ biến, nhất là lừa đảo qua email khi DN thường xuyên sử dụng các phương thức thương mại điện tử. “DN VN đã tích cực tiếp cận khai thác sự tiện ích của giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, chế độ bảo mật, chế độ tránh “hack”, tránh “spam” không được chú trọng nhiều, việc một cá nhân hay nhóm tội phạm nước ngoài đã can thiệp giao dịch, và chỉ dẫn thanh toán, giao hàng đến các địa chỉ, người thụ hưởng “ảo” mang lại hậu quả khó lường”, ông Quang nói. Theo ông, với bất kỳ một giao dịch nào, DN không nên chủ quan dù đó là đối tác quen, thực hiện nhiều hợp đồng.
Bên cạnh lừa đảo qua email, nhiều DN VN cũng dễ bị lừa do ham lời và bị dẫn dụ vào các thương vụ ảo. Chẳng hạn, một DN VN ký hợp đồng xuất khẩu gạo với khách hàng ở Dubai bằng hình thức thanh toán thư tín dụng trả ngay. Tháng 5.2015, phía VN nhận được thông báo L/C trị giá 2,3 triệu USD được mở từ khách hàng và ngân hàng phát hành thư tín dụng là Regnum, Nga. Sau đó phía VN chuyển 63 container gạo qua Dubai với trị giá gần 1 triệu USD. Thế nhưng 1 tháng sau DN VN vẫn chưa nhận được thanh toán từ phía Ngân hàng Regnum và Regnum thông báo họ không phát hành L/C này; người nhận bộ chứng từ đó cũng không phải là người của Regnum. DN VN lập tức cầu cứu Thương vụ VN tại UAE nhờ can thiệp để giữ hàng lại ở cảng. Cuối cùng, 63 container gạo được chuyển về lại VN nhưng DN VN phải trả hàng loạt chi phí phát sinh, đóng 44% thuế nhập khẩu tạm thời giá trị lô hàng...
Theo luật sư Quang, một nguyên nhân khác nữa là DN VN không chú trọng đầu tư chi phí pháp lý tư vấn, luật sư hỗ trợ cho các điều tra cẩn trọng về đối tác trước khi quyết định giao kết. “DN VN cũng nên cố gắng thỏa thuận để lựa chọn luật VN hay luật quốc gia nào mà mình hoặc luật sư của DN quen thuộc. Nếu cơ quan tài phán buộc phải chọn ở nước ngoài, DN VN nên chọn trọng tài thương mại, để thủ tục tố tụng nhanh hơn, việc thực thi phán quyết thuận lợi hơn. Trường hợp không thỏa thuận được luật VN thì nên lựa chọn luật của quốc gia thứ 3 có hệ thống pháp lý và cơ chế xét xử minh bạch, rõ ràng, như Singapore. Khi có dấu hiệu “lừa” hay phá bỏ hợp đồng của đối tác, nên cân nhắc biện pháp pháp lý ngay bao gồm kiện, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như chặn L/C, bắt giữ tàu, niêm phong hàng, phong tỏa tài khoản, cấm xuất cảnh...”, ông Quang phân tích.
Bình luận (0)