Anh Trần Đức Thắng (34 tuổi), làm việc tại Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM, vui mừng khi mua được vé xe giường nằm về quê ở Thanh Hóa để đón tết với gia đình. Tuy nhiên, đến tối 11.1, khi đến bến xe anh tá hỏa vì biết mình bị lừa.
Anh Thắng kể vì những ngày đầu tháng chạp, không có thời gian ra bến xe để mua vé trực tiếp, nên anh đã lên mạng, vào những hội, nhóm đồng hương “than trời, kể khổ”. “Có người thấy tôi tìm vé xe về ngày 11.1, họ nói muốn bán lại vé. Họ cũng gửi ảnh vé xe cho tôi xem. Sau đó họ mang qua công ty đưa tôi, giá vé 800.000 đồng. Đâu có ngờ khi tôi ra bến xe mới phát hiện đó là vé giả mạo”, anh Thắng chia sẻ, đồng thời rầu rĩ khi cùng lúc vừa mất tiền, vừa chưa thể tìm được vé xe về quê.
Cần cẩn trọng với những tin rao bán lại vé xe trên mạng xã hội |
Chụp màn hình |
Trần Thanh Vĩnh (23 tuổi), làm việc ở Công ty CP Kỹ nghệ Cường Thịnh, Q.12, TP.HCM, cho biết đã “tốn tiền ngu” 550.000 đồng vì tin tưởng vào một người xa lạ tỏ vẻ tốt bụng trên mạng xã hội.
“Tôi vào hội đồng hương Quảng Ngãi mua vé. Một người nói có vé, không còn nhu cầu về nên bán lại với giá thấp hơn 50.000 đồng. Tôi tin tưởng tuyệt đối, vội chạy đến nơi họ hẹn ở KCN Tân Bình để lấy vé. Cuối cùng mới phát hiện ra vé đấy là giả mạo. Đó chỉ là một tờ giấy photo chứ không phải vé chuẩn từ nhà xe”, Vĩnh than vãn.
Anh Nguyễn Đại Dương (35 tuổi), nhà ở đường số 8, TP.Thủ Đức, cũng kể mới phát hiện bị lừa hơn 2,1 triệu đồng khi mua 2 vé máy bay chuyến TP.HCM về Pleiku (Gia Lai) từ một người trên Facebook.
Cũng có những trường hợp khác, khi thấy có người rao bán lại vé máy bay, tàu xe đúng thời điểm mình cần, đã lật đật chuyển khoản đặt cọc từ 50 - 60% giá trị vé, nhưng sau đó thì người bán vé “cao chạy xa bay”.
Theo bà Đỗ Thị Chung (nhà xe Chung Giáp, chuyến TP.HCM - Thanh Hóa), mọi người nên cẩn thận với vấn nạn bán vé xe giả. “Nhiều kẻ lừa tinh vi giả mạo vé để bán cho những người nhẹ dạ cả tin. Họ làm vé giả y như thật. Hễ có một vé thật là họ có thể làm những vé giả y chang. Chúng tôi khuyến cáo mọi người hãy đến bến xe để mua trực tiếp, hoặc liên hệ qua hệ thống đặt vé online của các nhà xe. Tuyệt đối đừng mua lại vé từ người khác để tránh trường hợp bị lừa”, bà Chung nói.
Đại diện một hãng hàng không cũng cho biết tình trạng bán lại vé máy bay thường xuất hiện vào những dịp cận tết. Để không là nạn nhân, người mua nên truy cập các trang thông tin điện tử hoặc gọi đến tổng đài hỗ trợ hành khách của các hãng hàng không để tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc mua vé máy bay trực tuyến khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hàng không. Người này khuyên thêm: “Hiện nay, các hãng hàng không đều trang bị tính năng kiểm tra code vé trên chính trang web của hãng. Sau khi hoàn tất việc mua vé và được cung cấp code, hãy vào trang web chính thức của hãng bay để kiểm tra lại”.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng phát thông báo và đưa ra khuyến cáo hành khách chỉ mua vé qua website của ngành đường sắt hay mua trực tiếp tại các cửa bán vé của các ga hoặc tại các đại lý bán vé của đường sắt, mua qua các ứng dụng điện tử để tránh tình trạng mua phải vé giả, vé không đúng thông tin, vé bị cạo sửa giá...
Bình luận (0)