(TNO) Phương châm tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh” được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển sang “Đánh chắc thắng chắc” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là do công tác trinh sát tình báo của ta thu thập được những tài liệu tuyệt mật từ phía địch.
|
>> Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 2: ‘Tai, mắt’ tướng Giáp phủ trận địa
>> Bí mật chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ 1: Chuyện ‘bếp núc’ tiếp sức chiến thắng
>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 2: Những cuộc trùng phùng
>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 1: 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, máu trộn bùn non
“Đánh nhanh thắng nhanh”
Cuối năm 1953, chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 9 năm. Pháp khi này lâm vào thế bị động trên chiến trường. Trong khi đó, ta đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, Khu 5, các tỉnh Cao Bắc Lạng… và nhiều khu vực ở đồng bằng Bắc bộ.
Lúc này, Pháp bổ nhiệm tướng Henri Navarre làm Tổng chỉ huy Đông Dương thay cho tướng Raoul Salan nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh.
Ở Việt Nam, tướng Navarre chọn Điện Biên Phủ làm căn cứ địa quan trọng để tấn công Việt Minh. Ngày 20 và 21.11.1953, máy bay Pháp cho quân đổ bộ xuống cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 6.12.1953, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh họp và nhận định đây chính là thời cơ để quân ta mở rộng và phát triển chiến trường. Bộ Tổng tham mưu của ta được lệnh tổ chức nhiều đoàn quân chủ lực chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong đó, đáng chú ý là đoàn Bộ chỉ huy tiền phương do tướng Hoàng Văn Thái dẫn đầu lên Điện Biên Phủ trước để điều tra tình hình quân địch. Đi cùng với đoàn có Phó đoàn cố vấn của Trung Quốc Mai Gia Sinh. Đoàn đi sau là Bộ Tổng tham mưu do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu, có Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh.
Đại tá Phan Như Hùng - lúc đó là cán bộ Phòng nghiên cứu tình hình địch ở chiến dịch Điện Biên Phủ của Cục 2 (sau này là Tổng cục 2) thuộc Bộ Tổng tham mưu - nhớ lại: Khi này những tin trinh sát của Bộ Tổng tham mưu, các sư đoàn báo về trang bị của Pháp ở Điện Biên Phủ còn rất sơ sài. Công sự của địch cũng chưa phát triển nhiều.
Mai Gia Sinh - Phó đoàn cố vấn Trung Quốc - nhận định khi Pháp còn phòng thủ sơ sài, quân đội Việt Nam cần phải tiến nhanh đánh nhanh. Còn nếu kéo dài sẽ khó khăn cho quân ta, nhất là việc vận chuyển hậu cần, lương thực, đạn dược vào chiến trường Điện Biên Phủ.
Lúc này quân ta bắt đầu kéo pháo vào trận địa, bộ binh cũng chuẩn bị áp sát bao vây địch.
|
Pháp đổ bộ và “đánh chậm thắng chắc”
Một buổi chiều, cán bộ kỹ thuật của Cục 2 thu được tin kỹ thuật là Pháp cho một tiểu đoàn dù nhảy xuống chiếm bản Hồng Lếch - một địa danh ở tây sân bay Mường Thanh. Đích thân ông Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục 2 - báo cáo thông tin này với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị ông Nghĩa phải trực tiếp xuống đài quan sát để kiểm tra. Mặc dù cách Bộ chỉ huy chiến dịch chừng 5 km nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở nên tới tận 5 giờ sáng hôm sau, ông Nghĩa mới tới được đài quan sát. Tin tức được Cục trưởng Cục 2 báo về là thấy nhiều địch lố nhố ở Hồng Lếch.
|
|
Sau đó, thông tin trinh sát từ nhiều nguồn báo về là quân Pháp tăng cường lực lượng ở 49 cứ điểm và lập 8 trung tâm đề kháng ở Điện Biên Phủ. Trong đó, đáng kể nhất là Pháp cho quân nhảy dù để chặn sư đoàn chủ lực 308 của ta ở phía tây sân bay Mường Thanh.
Trước thông tin Pháp tăng cường phòng thủ ở Điện Biên Phủ, suốt nhiều ngày liền Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như không ăn không ngủ. Rõ ràng việc Pháp tăng cường chi viện thêm quân đã đẩy quân ta vào thế khó.
Lúc này quân ta rất khó áp dụng phương châm tác chiến ban đầu là “đánh nhanh thắng nhanh” nhưng muốn rút quân ra cũng khó bởi lúc này pháo đã kéo vào đợi lệnh, bộ binh cũng từng bước áp sát vào căn cứ địch.
Chưa kể lệnh rút quân lúc này còn gặp phải sự phản đối của cố vấn Trung Quốc vì trước đó họ cho rằng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” là phù hợp nhất.
Trước tình hình thay đổi đột ngột và không có lợi cho quân ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định họp Bộ Chỉ huy chiến dịch để lãnh đạo chiến dịch thống nhất chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”.
Song song đó, Đại tướng lệnh cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 Vương Thừa Vũ đưa quân sang đánh phía Bắc Lào để nghi binh và đánh xong phải chuyển quân về ngay lập tức. Việc đánh Bắc Lào, Trung Lào làm cho quân Pháp tưởng ta vẫn chỉ bao vây Điện Biên Phủ mà thôi, chúng không ngờ từ đó sẽ bị rơi vào tử huyệt “cối xay thịt” của chính quân Pháp tự giăng ra ở lòng chảo Điện Biên.
Cố đại tá Hoàng Minh Phương (*) - nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt hơn 25 năm (từ 1950 đến sau 1975) - cho biết tài thao lược của Đại tướng thể hiện ở chỗ dù được trao toàn quyền quyết định nhưng khi thấy thực tế chiến trường không đúng với dự tính, ông đã kiên trì thuyết phục các tư lệnh chỉ huy sư đoàn và cố vấn Trung Quốc chuyển hướng tác chiến khác chứ không áp đặt quyền của mình trước chiến dịch lớn một mất một còn.
“Thực tiễn chứng minh rằng chỉ riêng cứ điểm đồi A1 thôi, ta phải mất 38 ngày đêm mới dứt điểm được. Vậy thì 49 cứ điểm mà ta định đánh trong 3 ngày 2 đêm thì quá mạo hiểm”, ông Phương kể.
Đại tá Phan Như Hùng cho biết trong chiến dịch 55 ngày đêm, Phòng nghiên cứu quân địch của ông có 7 người và hầu như phải làm việc ngày đêm để phân tích tin tức từ các nguồn gửi về rồi báo cáo cho Bộ chỉ huy chiến dịch mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thời gian mở chiến dịch, hầu như đêm nào văn phòng của Đại tướng cũng sáng đèn suốt canh khuya. Anh em lên báo cáo thấy mắt Đại tướng đỏ hoe nhưng gương mặt ông vẫn bừng tỉnh khi nhận được thông tin quan trọng.
Cố vấn Trung Quốc tâm phục khẩu phục. Cách đây mấy năm, Trung Quốc tổ chức hội thảo về chiến thắng Điện Biên Phủ. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cố vấn của họ đã góp công đầu trong việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, góp phần tạo nên chiến thắng vang dội này. Nghe được thông tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho vị trợ lý lâu năm của mình, đại tá Hoàng Minh Phương từ TP.HCM ra Hà Nội để trao đổi và làm nhiệm vụ thu thập thông tin cùng toàn bộ văn bản ban hành ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, Việt Nam tổ chức hội thảo về chiến dịch Điện Biên Phủ có mời Trưởng, Phó đoàn cố vấn Trung Quốc là Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh… sang tham dự. Ở hội thảo này bằng những dữ liệu lịch sử, phía Việt Nam đã chứng minh việc thay đổi phương châm tác chiến đều do từ nhận định về thay đổi cục diện chiến trường của Bộ chỉ huy chiến dịch, ở đây đứng đầu là Tổng tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hội thảo cũng đánh giá cao và ghi nhận công lao giúp đỡ của Trung Quốc trong chiến dịch này. Sau đó hai bên đã cùng ra văn bản thống nhất. “Trực tiếp theo dõi toàn bộ chiến dịch và tiếp cận các nguồn thông tin, tôi khẳng định việc thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ xuất phát từ vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp”, đại tá Hùng nói. |
Trung Hiếu
(*) Đại tá Hoàng Minh Phương mất vào ngày 31.12.2013. Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất ngày 4.10.2013, PV Thanh Niên Online có gặp đại tá Hoàng Minh Phương để hỏi về cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng.
>> Triển lãm chiến thắng Điện Biên Phủ ở các trường đại học>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tầm vóc vĩ đại của hai con người
>> Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử
>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tiếng sét trong thế giới thuộc địa
>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bác bảo: 'Phải đánh cho thắng!
>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Đại tướng và nhà văn
>> Điện Biên Phủ - Quyết chiến, quyết thắng
Bình luận (0)