Những hình ảnh đội nữ bóng rổ 3X3 của đội tuyển Việt Nam ôm nhau khóc sau chiến thắng trước Philippines để đem về tấm HCV lịch sử đã khiến nhiều khán giả xúc động. Bởi đó là tấm HCV đầu tiên của bóng rổ Việt Nam ở đấu trường SEA Games, nơi mà Philippines, Thái Lan thống trị nhiều năm.
Với chị em nhà Trương Twins, đây có thể là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp bóng rổ của họ khi khoác trên mình chiếc áo dân tộc. Một khoảnh khắc được ghi lại ở giải đấu mà nhiều người cho rằng là "ao làng", nhưng chắc chắn có thể các vận động viên không thể tìm lại được cho dù trong tương lai được thi đấu ở cấp độ thế giới.
Chị em song sinh Việt kiều giành HCV SEA Games 32: ‘Thật tuyệt khi được chơi cho đất nước mình’
Sau chiến thắng lịch sự của bóng rổ Việt Nam ngày hôm qua, đội trưởng Huỳnh Thị Ngoan đã nói trong nước mắt: "Tôi thật hạnh phúc khi đem về cho Việt Nam tấm HCV ở kỳ SEA Games cuối cùng của mình, chắc chắn những giây phút này sẽ không thể trở lại trong tương lai".
Dù từng có nhiều tấm HCV tại SEA Games, nhưng kình ngư 30 tuổi Hoàng Quý Phước cũng không giấu được sự xúc động khi đem về tấm HCV ở nội dung 4x200 m nam trong tối qua: "Tôi rất vui, không biết diễn tả cảm xúc thế nào. Đây có thể là SEA Games cuối cùng của tôi. Tấm HCV làm tôi nghẹn ngào".
Hưng Nguyên bứt tốc như chớp, Việt Nam giành HCV bơi tiếp sức 4x200m tiếp sức
Đấu trường SEA Games được coi là đại hội thể thao rất kỳ lạ và đôi khi rất khó cho các vận động viên. Bởi với nhiều vận động viên, họ có thể dễ dàng có được những chiếc huy chương ngay từ khi chưa thi đấu, nhưng với nhiều người họ đánh đổi cả đời vận động viên của mình nhưng vẫn chưa một lần được đứng trên bục cao nhất dù rất khát khao.
Đó là tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh, từng có vị trí hạng 5 thế giới và đánh bại cả tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei (Malaysia), nhưng tấm HCV vẫn chưa một lần đến với tay vợt được xem là "tượng đài" của cầu lông Việt Nam trong 10 kỳ tham dự đấu trường này.
Hay võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, từng nhiều lần vô địch thế giới nhưng "độc cô cầu bại" chỉ có được tấm HCV SEA Games đầu tiên ở tuổi 33 trên sân nhà năm ngoái và cũng là tấm HCV cuối cùng của anh ở sân chơi này.
Tôi (tác giả bài viết) đã từng một lần được hưởng cảm xúc hạnh phúc chiến thắng tại đấu trường SEA Games và đó cũng là lần duy nhất. Trong trận bán kết đồng đội nam bóng bàn của tuyển Việt Nam gặp Malaysia tại SEA Games 18 ở Chiang Mai (Thái Lan) năm 1995, tôi đã cùng các đồng đội Vũ Mạnh Cường và Lý Minh Triết đã giành chiến thắng chung cuộc 3-1 để giúp đội nam bóng bàn Việt Nam lần đầu tiên vào chung kết SEA Games kể từ khi thể thao hòa nhập trở lại đại hội thể thao Đông Nam Á vào năm 1989. Một cảm giác "nổi da gà" khi được đứng trên bục nhận giải và quốc ca Việt Nam vang lên khi đồng đội Vũ Mạnh Cường đoạt tấm HCV đơn nam lịch sử năm đó vẫn còn được tôi nhớ như in sau 28 năm.
Võ sĩ vovinam Việt Nam vừa sốt 39 độ vẫn giành HCV: ‘Em vừa đánh vừa bệnh’
Thể thao luôn đem đến những cảm xúc khó tả cho vận động viên và cả những người hâm mộ, nước mắt có thể rơi khi bạn thất bại hay chiến thắng, nhưng để có được điều này là không hề dễ dàng có được dù chỉ 1 lần trong sự nghiệp.
Bình luận (0)