Bị sưng phù mắt, hình thành ổ áp xe do một nốt mụn

Lê Cầm
Lê Cầm
03/08/2023 10:32 GMT+7

Từ một nốt mụn ở đuôi mắt, sau 1 tuần anh Đ.V.P. (27 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) bị sưng phù mắt, hình thành ổ áp xe, nhiễm trùng vùng da gần mắt trái và thái dương.

Anh P. cho biết công việc của anh làm ở công trường xây dựng, tiếp xúc nhiều với nắng và bụi. Một tuần trước, khi ngủ dậy, anh thấy nốt mụn nhỏ xuất hiện ở đuôi mắt trái. Sau một tuần, buổi sáng thức dậy, anh cố gắng mở mắt nhưng vẫn không nhìn rõ xung quanh, cảm giác mắt trái nặng và đau nhiều.

Ngày 3.8, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng (chuyên khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết: qua kiểm tra mắt bằng đèn khe Nhật Bản, thị lực người bệnh bình thường nhưng vùng da gần mắt trái và thái dương nhiễm trùng, mưng mủ. Vì nhập viện trễ, vùng viêm nhiễm này lan rộng ra cả vùng da mắt. Nếu không điều trị kịp, vùng nhiễm trùng không chỉ gây đau mắt, cản trở tầm nhìn… mà có thể ảnh hưởng đến cấu trúc mắt.

Sau 3 ngày bệnh nhân uống thuốc kháng viêm, ổ áp xe gần mắt tụ lại một điểm và cứng hơn, mắt hết sưng đau. Bác sĩ Vũ Tùng thực hiện tiểu phẫu lấy mủ, dẫn lưu áp xe giúp vết thương lành lặn.

TP.HCM: Nam thanh niên sưng mắt, không nhìn rõ xung quanh do một nốt mụn - Ảnh 1.

Nốt mụn gây viêm, áp xe quanh vùng mắt

ĐINH TIÊN

Thăm khám sớm khi có dấu hiệu viêm, không dụi mắt hay chạm lên mắt

Bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng cho biết sưng mắt là tình trạng mắt phù nề một hoặc hai mí. Có nhiều nguyên nhân gây sưng mắt bao gồm viêm mí mắt, chắp mắt, dị ứng… Mắt sưng sẽ có các triệu chứng như mắt sưng húp, đỏ mắt, ngứa, nhạy cảm ánh sáng, chảy nước mắt, đổ ghèn, khô mắt, đau đầu…


Sưng do viêm tại mắt hoặc sưng do viêm ở mô lân cận đều cần được khám và điều trị sớm. Người bệnh thường được uống kháng viêm và theo dõi tại nhà. Khi vùng da mắt hết sưng đau, có thể được tiểu phẫu dẫn lưu mủ ra ngoài. Khi theo dõi tại nhà, nếu không may ổ áp xe tự vỡ cần dùng xà bông sát khuẩn rửa sạch dưới vòi nước, đồng thời lấy lòng bàn tay ép nhẹ từ từ để dịch mủ chảy ra hết. Tuyệt đối không dùng tay nặn, việc này dễ gây nhiễm trùng và viêm nhiễm tái phát.

Thậm chí, khi đang trong tình trạng viêm cũng không thực hiện tiểu phẫu vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do vậy người bệnh cần điều trị hết viêm nhiễm, đau, sưng rồi mới có thể tiểu phẫu.

"Để phòng ngừa viêm, nhiễm và sưng mắt người dân không được dùng tay dụi hay chạm lên mắt, thường xuyên rửa tay sạch, che chắn và vệ sinh da mặt khi tiếp xúc với bụi bẩn, không dùng chung khăn mặt, đồ trang điểm, cần thay vỏ gối thường xuyên", bác sĩ khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.