Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, một trong những ưu tiên trong công tác chống dịch Covid-18 của Đồng Nai hiện nay là cần làm tốt, làm nhanh chính sách an sinh xã hội.
Tiền về xã phường, đã đến tay người dân chưa?
Chính sách thì đã rõ nhưng các địa phương hiện triển khai thế nào, tiền đã về các xã, phường để chuyển đến tay người dân hay chưa. Ông Lĩnh đặt câu hỏi và yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và triển khai ngay, không để chậm trễ.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai cho biết Sở này đã rà soát, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho 59.248 lao động tự do bị mất việc theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với số tiền 88,872 tỉ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 49.740 người với số tiền 74,61 tỉ đồng và hiện đã chi trả cho 44.058 người với số tiền 66,087 tỉ đồng.
Ông Cao Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, hiện đơn vị này đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tổng số tiền 92 tỉ đồng. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 26.000 hộ trong khu nhà trọ cũng cần được hỗ trợ trên tổng số 58.000 hộ nghèo.
|
"Không giữ lại một xu nào trên tỉnh"
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các cấp, ngành cam kết không để dân đói, không để xẩy ra tiêu cực trong việc chi trả nguồn lực này. Mỗi xã, phường cần bố trí kho lương thực tại chỗ để khi dân cần là có thể xuất kho ngay.
“Tôi đề nghị Ủy ban MTTQ VN tỉnh phải xuất quỹ ngay, phân bổ và chuyển ngay về cho các xã, phường. Không giữ lại một xu nào trên tỉnh. Các khu phố, thôn ấp báo cáo hộ nào khó khăn thì tổ chức chuyển ngay về cho người dân. Việc hỗ trợ phải được triển khai nhanh nhất có thể và cũng tránh bỏ sót các trường hợp khó khăn. Nếu chậm trễ, tiêu cực thì chúng ta có lỗi với dân", ông Lĩnh chỉ đạo.
“Nếu để dân đói thì lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu kỷ luật trước tiên, thậm chí ngay cả Bí thư Tỉnh ủy cũng phải chịu trách nhiệm. Cuộc chiến chống dịch thắng lợi hay không phụ thuộc vào ý thức người dân, nhưng quan trọng hơn vẫn là chính sách an dân, làm sao để người dân yên tâm và tin tưởng. Vắc xin quan trọng nhất là ý thức người dân và lòng dân ”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Đối với những người dân lang thang trên đường, ông Lĩnh cũng yêu cầu các địa phương phải hình thành các tổ công tác xã hội, hỗ trợ đưa họ về lại nhà hoặc đưa họ về khu vực tập trung để chăm sóc trong thời gian giãn cách.
“Chúng ta không nên xem những người lang thang là đối tượng vi phạm mà phải xem họ là nạn nhân cần được trợ giúp”, ông Lĩnh nhấn mạnh và yêu cầu các sở ngành công bố ngay 10 số điện thoại đường dây nóng về an sinh xã hội, 10 số điện thoại đường dây nóng về y tế ngay trong hôm nay để người dân nắm bắt, khi cần có thể gọi và các đường dây nóng này phải hoạt động 24/24 giờ.
|
Đẩy nhanh chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đánh giá việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở một số nơi còn thực hiện chưa nghiêm.
Ông Dũng kể thứ 7, chủ nhật ông nhận được điện thoại người dân phản ánh một số nơi chưa nghiêm, có tình trạng đi lại nhiều. Có khu công nhân còn mua bia về nhậu. Ông Dũng đề nghị các địa phương hạ quyết tâm chống dịch lần này, nỗ lực bóc tách cho bằng được hết F0 ra khỏi cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở LĐ-TB-XH phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh đẩy nhanh nguồn hỗ trợ chính sách và các nguồn hỗ trợ của xã hội chi trả cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết 68.
“Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh cũng dự kiến chi bổ sung khoảng 263 tỉ đồng hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, việc này cần phải được thông qua Hội đồng Nhân dân mới xử lý được”, ông Dũng cho hay.
|
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết tính đến sáng 23.8, Đồng Nai ghi nhận 18.356 ca dương tính Covid-19, trong đó 7.146 ca khỏi bệnh, 131 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Cũng theo ông Vũ, Đồng Nai vừa được một doanh nghiệp hỗ trợ 10.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19, dự kiến tuần này thuốc sẽ về đến VN. Nếu có thêm nguồn thuốc này sẽ phục vụ điều trị cho 2.500 bệnh nhân tầng 2 và tầng 1. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng vừa đồng ý chuyển giao cho Đồng Nai 15 máy thở cao cấp. Tuy vậy, theo ông Vũ, hiện trang thiết bị y tế, nhân lực xét nghiệm và nhập liệu y tế ở Đồng Nai vẫn còn thiếu, công tác tiêm chủng vắc xin trên địa bàn vẫn còn rất chậm.
Bình luận (0)