Tăng cường thực hành tinh thần "7 dám"
Chia sẻ với báo chí về quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đối với nhiệm vụ phát triển thủ đô trong năm mới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc gắn với thực hiện tốt chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Đồng thời, tăng cường thực hành tinh thần cán bộ "7 dám" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và T.Ư đã chỉ đạo, đó là: dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội năm 2024, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của thành phố trong năm mới.
Trước đó, Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra không phải riêng ở Hà Nội. Việc đưa ra 25 biểu hiện cụ thể của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy cũng được làm rất kỹ, bảo đảm sát thực tiễn, đúng quy định của T.Ư. Nhìn vào 25 biểu hiện thì không chỉ cán bộ tự soi, tự sửa được, mà khi kiểm tra, giám sát cũng thuận lợi.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, tác động của Chỉ thị số 24-CT/TU trước hết là làm thay đổi nhận thức, khắc phục tư tưởng coi thái độ qua loa, xuề xòa trong công việc là không làm sao cả. Kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm xử lý công việc được nâng lên.
Sớm xây dựng thêm các cầu vượt sông
Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nhiệm kỳ này, chủ trương chung của thành phố là cố gắng khép kín các đường vành đai. Trong đó, đường Vành đai 1, Vành đai 2 đã cơ bản xong, Vành đai 3 còn một đoạn 14 km ở H.Đông Anh và thành phố quyết định làm nốt bằng tiền ngân sách. Đường Vành đai 4 thì đang được triển khai quyết liệt. Các tuyến đường cửa ngõ vào thủ đô cũng phải được cải thiện.
Ngoài ra, ông Dũng cũng lưu ý phải tập trung tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng những cầu vượt sông Hồng, tăng cường hạ tầng kết nối quan trọng như: cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát... Đồng thời, phải phối hợp để sớm triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng và sông Đuống trên đường Vành đai 4, gồm: cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống. Đây là 3 cây cầu có ý nghĩa quan trọng để kết nối liên thông và đưa vào vận hành khai thác cùng với đường song hành Vành đai 4.
Cùng với đó, thành phố xác định là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thật tốt, gắn với xây dựng 2 thành phố trực thuộc thì mới có thể "giải nén" đô thị. Cho nên, tới đây, Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị các dự án đường sắt đô thị (metro).
Trước mắt, năm 2024, đối với tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, thành phố đang chỉ đạo đưa vào vận hành trước đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn về đến Kim Mã. Tới đây sẽ tiếp tục tập trung triển khai đoạn metro ngầm từ Kim Mã về ga Hà Nội. Thứ hai là tuyến metro Cát Linh - Hà Đông sẽ tiếp tục được đầu tư đoạn nối Ba La (Q.Hà Đông) đến Xuân Mai (H.Chương Mỹ).
Tuyến metro thứ 3 mà thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sớm là tuyến Văn Cao - Hòa Lạc. Ngoài ra còn một tuyến nữa cũng rất quan trọng, là tuyến từ sân bay Nội Bài đi về trung tâm thành phố cũng sẽ được ưu tiên triển khai sớm.
Ông Dũng nhấn mạnh thành phố sẽ quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, không chỉ để kết nối các khu vực trong Hà Nội mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam.
Tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để thúc đẩy công việc
Nhắn gửi với cán bộ và nhân dân thủ đô nhân dịp năm mới Giáp Thìn, Bí thư Hà Nội cho biết thành phố còn rất nhiều việc phải làm, phải đầu tư, xây dựng phát triển. Nhiều mặt khó khăn, hạn chế, bất cập đang đòi hỏi phải giải quyết.
Trong năm qua, ông luôn lưu ý các cấp, các ngành là song song với việc tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, phải quán triệt tinh thần mà nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: dân là gốc; làm việc gì cũng phải có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, việc khó đến mấy mà người dân đồng tình ủng hộ cũng có thể vượt qua, và ngược lại, việc dễ đến đâu mà dân không theo thì cũng thất bại.
"Do đó, tôi đề nghị trong năm 2024, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải gần dân, sát dân hơn nữa, phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để thúc đẩy công việc; tập trung chăm lo cho đời sống nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với dân; giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu, những ý kiến kiến nghị chính đáng của nhân dân...", ông Dũng nói.
Sau cùng, thay mặt Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Hà Nội gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới toàn thể cán bộ và nhân dân, các lực lượng vũ trang thủ đô, chúc Tết an vui đến với mọi nhà.
Bình luận (0)