Thắng lợi của Hà Nội là đã huy động được người dân chống dịch thực chất

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/10/2021 16:09 GMT+7

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ về những "lúng túng" trong chống dịch của thủ đô thời gian qua và định hướng của Hà Nội khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Quyết tâm bảo vệ thủ đô

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Ngọc thắng

Sáng 21.10, thảo luận tại tổ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dành khá nhiều thời gian để "phân trần" về các biện pháp phòng, chống dịch tại thủ đô thời gian vừa qua.

Theo ông Dũng, từ 27.4 (thời điểm bắt đầu đợt dịch thứ 4), Hà Nội đã đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Do đó, lãnh đạo Hà Nội đã quán triệt chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghiên cứu rất kỹ các Chỉ thị 15, 16 rồi 19 của Thủ tướng, luôn đặt Hà Nội trong tình trạng nguy cơ cao với tinh thần quyết tâm bảo vệ thủ đô.

"Vì thế, khi xảy ra trường hợp như Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), chúng tôi chủ trương giãn dân, di dời gần 2.000 người. Nếu để lại chỉ 1-2 ngày lây lan thì không kiểm soát được. Lúc đó mình đã tiêm gì đâu", ông Dũng dẫn chứng, và cho biết Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã phải có những quyết định rất hệ trọng khi đứng trước các tình huống như vậy.

Theo ông Dũng, Hà Nội còn chuẩn bị cả phương án lực lượng công an, quân đội sẵn sàng khi có tình huống xảy ra, không để rối loạn an ninh trật tự trên địa bàn.

"Phương châm là bảo vệ bằng được thủ đô. Như Trung Quốc, khi dịch xảy ra là họ kiên quyết tuyên bố không cho người vào thủ đô ngay", ông Dũng nói thêm.

Theo Bí thư Hà Nội, với tinh thần như thế nên không thể "lấy tư duy hiện tại để áp đặt vào thời điểm 2 - 3 tháng trước được". Dù vậy, ông Dũng cũng thừa nhận "trong quá trình làm thì cũng có cái lúng túng chứ không phải không".

Bản tin Covid-19 ngày 21.10: Tính toán nguồn lực dài hơi cho phòng chống dịch gắn với an sinh xã hội

"Nó có hậu quả gì đâu mà phải lo"

Cái "lúng túng" thứ nhất, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, là "giấy đi đường" và việc phân vùng nguy cơ ở Hà Nội.

Ông Dũng cho biết Hà Nội đã "bàn rất kỹ" chuyện giấy đi đường và cho cơ quan chức năng 1 tuần để chuẩn bị; nhưng trong quá trình làm, anh em làm không được vì cần có thời gian, điều kiện, phải chuẩn bị thì mình phải bỏ giấy đi đường đi, bỏ cách phân chia 3 vùng đi.

“Chuyện đó là bình thường”, ông Dũng nói và không đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, giấy đi đường của Hà Nội là “vi hiến”.

“Không có vi gì lúc này cả! Quốc hội cho phép là làm các phương án cao hơn, khác cả luật thì sao không làm vì sức khỏe của người dân, vì trật tự an toàn của thủ đô?”, ông Dũng nêu, và cho rằng phải là người trong cuộc thì mới thấy được trách nhiệm của mình, mới phải lo, phải “quyết đáp” những việc như thế.

“Còn, báo cáo các đồng chí, bên ngoài mà nói, thôi mỗi người một nhận thức, mỗi người một cách hiểu nhưng mục tiêu của mình là gì, thì mình phải thực hiện biện pháp đó”, Bí thư Hà Nội nói.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng: "Mình làm mình rút kinh nghiệm có gì mà phải lo. Chưa đúng thì mình điều chỉnh"

Gia hân

Ông Dũng cũng cho biết T.Ư và Bộ Chính trị cũng khẳng định trong công tác chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

“Mà nó có hậu quả gì đâu mà phải lo. Tôi nói thật với các đồng chí, tôi với trách nhiệm người đứng đầu thủ đô tôi chả lo gì chuyện đó cả. Mình làm mình rút kinh nghiệm có gì mà phải lo. Chưa đúng thì mình điều chỉnh”, ông Dũng nói và cho biết, “thắng lợi” của Hà Nội vừa qua là đã huy động được hệ thống chính trị, người dân vào cuộc một cách thực chất.

Dẫn lại nhiều ví dụ thực tiễn tại các địa phương mà bản thân đã tới tận nơi, có rất nhiều người cao tuổi, đã về hưu, cán bộ nghỉ ở nhà do giãn cách tham gia các chốt gác bảo vệ vùng xanh, ông Dũng nhấn mạnh đó là phương châm làm từ gốc mà Hà Nội đã thực hiện và thắng lợi.

“Nhiều nơi như khu tập thể Tổng cục 2, 4 ông đại tá đứng gác cổng. Đấy, đại tá là phải gác cổng. Các cụ cắt rào cắt lớp hay lắm. Hay là đi vào chỗ Mai Động, có bác gái 68 tuổi, nghỉ hưu, hăng hái suốt từ đầu làng tới cuối làng”, ông Dũng kể.

Bác sĩ ơi! Covid-19 còn nguy hiểm không | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

"Tôi không có ngại"

Cũng theo Bí thư Hà Nội, chuyện xét nghiệm toàn dân, "nhiều người có ý kiến, nói Hà Nội thế này thế kia, tôi cũng không có ngại”.

Ông Dũng khẳng định, Hà Nội thực hiện tầm soát y tế toàn dân theo công thức chỉ định của Bộ Y tế. Những vùng nguy cơ cao là 2-3 ngày xét nghiệm 1 lần, 7 ngày phải đủ 3 lần, nhưng vùng nguy cơ thì 5-7 ngày một lần và làm mẫu gộp theo hộ gia đình.

“Trong chiến dịch đó là có 4,2 triệu mẫu thôi. Còn nếu mà làm toàn dân thì mất 12 triệu mẫu cơ. Nói chung chỉ đạo rất là chung nhưng mình phải làm sao để căn vào đấy, tình hình cụ thể của địa bàn để mà triển khai cho hiệu quả”, ông Dũng nói.

“Cách làm của Hà Nội là như vậy. Thôi thì lâu dài chưa nói nhưng trước mắt như vậy là kiểm soát được dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.

"Thành phố không đóng cửa nhưng ngõ phố có thể canh gác nhau"

Về thời gian tới, Bí thư Hà Nội cho rằng, triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ thì “phải đọc 2 vế chứ 1 vế không ổn”.

“Thường trực, Thường vụ Hà Nội họp cả ngày để bàn, nỗi lo bên này là bảo vệ thủ đô, phòng chống được dịch bệnh, nỗi lo bên bên kia là thúc đẩy kinh tế”, ông Dũng nói và cho biết, Nghị quyết 128 là chủ trương đúng, song một trong những điều kiện đầu tiên phải là vắc xin toàn dân, mũi 1 rồi 2, không thì không thể nói được.

Bí thư Hà Nội cũng bày tỏ lo lắng sắp tới khi trường học mở cửa thì gần 1 triệu sinh viên sẽ quay trở lại thủ đô, trong khi các địa phương vẫn chưa tiêm vắc xin cho đối tượng này thì “rất gay go”.

Thêm vào đó, 2,1 triệu học sinh từ THCS đến PTTH chưa được tiêm, chưa kể tới trẻ nhỏ. Cùng với đó là lượng lao động quay trở lại bắt đầu tương đối đông. “Rõ ràng các điều kiện rất khó khăn, không khéo bùng phát dịch”, ông Dũng bày tỏ lo lắng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, biện pháp lúc này vẫn là từ cơ sở, tiếp tục phát động hệ thống chính trị, người dân tham gia các “Tổ covid cộng đồng”.

"Hà Nội mà để độ 1.000 - 2.000 ca/ngày thì chắc cũng khó khăn rồi. Mình quyết không để thế. Thành phố không đóng cửa nhưng mà ngõ phố có thể canh gác nhau chứ, ai cấm chuyện đấy. Tôi từ đầu đã nói kiểu gì cũng phải xử lý từ gốc chứ không để ngọn, không đủ lực lượng làm từ trên xuống dưới được, mà phải từ dưới lên trên”, ông Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.