Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Cảm nhận hạnh phúc của sự sẻ chia

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/02/2022 06:00 GMT+7

Chia sẻ với Báo Thanh Niên về một năm đáng nhớ của người trẻ trong đại dịch Covid-19 , anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, mong muốn thanh niên tiếp tục phát huy tinh thần dấn thân, nhân ái, để sống đẹp hơn mỗi ngày.

Tinh thần tình nguyện lên cao hơn bao giờ hết

Thưa anh, năm 2021 tổ chức Đoàn, Hội các cấp và thanh niên đã để lại dấu ấn xã hội sâu đậm, đặc biệt là trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Anh có thể chia sẻ điều gì từ câu chuyện này?

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2021, Ban Bí thư T.Ư Đoàn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là huy động các lực lượng thanh thiếu niên tham gia phòng chống, thích ứng đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Tinh thần đoàn kết sẻ chia với người dân và sự dấn thân của người trẻ được động viên, khơi gợi, khuyến khích. Đoàn thanh niên đã chuyển hướng hoạt động bằng cách ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để kết nối người trẻ và tất cả những ai có mong muốn đóng góp phòng chống dịch, qua đó phát huy được sức mạnh của nhiều tầng lớp xã hội. Cũng trong năm này, chúng tôi cảm nhận được sự tin tưởng, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nguồn lực và thường xuyên cổ vũ động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp dành cho tổ chức Đoàn, Hội, Đội. Nhờ vậy, nhiều khó khăn đã được vượt qua, nhiều vướng mắc được giải quyết, đặc biệt là nhiều sản phẩm, kết quả cụ thể trong tham gia phòng chống dịch đã tạo dấu ấn tốt trong nhân dân, cũng như trong xã hội.

Anh Nguyễn Anh Tuấn

Ngọc Thắng

Trong khó khăn, có nhiều sáng kiến của người trẻ đã mang lại hiệu quả lớn cho xã hội. Anh đánh giá như thế nào về tinh thần sáng tạo ấy?

Tôi nhận thấy các cán bộ Đoàn, Hội và thanh niên cơ sở có rất nhiều mô hình, sáng kiến hay, bởi bản thân những người trẻ là những người luôn tìm tòi, đổi mới. Đặc biệt, các bạn luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để hoạt động của Đoàn, Hội gần gũi, thiết thực hơn, mang lại hiệu quả cho xã hội. Trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều bạn trẻ đã có những sáng kiến như: ATM gạo, ATM Oxy, ATM F0, hỗ trợ lái xe đường dài, shipper áo xanh… được áp dụng toàn quốc và mang lại hiệu quả lớn cho người dân. Theo tôi, nếu không có tinh thần sẻ chia với người dân thì không bao giờ sáng tạo được như vậy.

Hôm đó, tôi xem thời sự buổi tối, biết được nhiều trẻ em ở TP.HCM bị mồ côi cha mẹ do đợt dịch Covid-19. Hai người tôi liên hệ đầu tiên là lãnh đạo Báo Thanh Niên và Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia và đề nghị trong 3 ngày phải hình thành được chương trình để giúp đỡ các trẻ mồ côi.

Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Bên cạnh đó, sáng kiến cũng đến từ sự đặt hàng của chính quyền, giao nhiệm vụ của người đứng đầu Chính phủ; từ nhu cầu, mong muốn của người dân. Với tâm huyết của cán bộ Đoàn, Hội nên cách tiếp cận trong công tác phòng chống dịch luôn luôn đổi mới, để phù hợp với thực tiễn. Suốt năm 2021, không có hoạt động nào bị lặp lại, mà hoạt động nào cũng được làm mới, gia tăng thêm giá trị mới.

Khơi dậy lòng nhân ái

Không chỉ xung kích, sáng tạo, tổ chức Đoàn, Hội và thanh niên còn có những hoạt động, những chương trình rất nhân văn để chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch như chương trình “Triệu bữa cơm”, “Triệu túi an sinh”, “Nối vòng tay thương”... Những chương trình này đã mang lại giá trị như thế nào, thưa anh?

Đứng trước khó khăn của nhân dân trong năm qua, chúng tôi đã suy nghĩ để triển khai rất nhiều chương trình nhằm khơi dậy lòng nhân ái, hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, chương trình “Triệu bữa cơm” đến nay đã trao tặng được khoảng 1,5 triệu suất; chương trình “Triệu túi an sinh” đến cuối năm đã trao trên 1 triệu túi có tổng trị giá hơn 223 tỉ đồng, với tổng số lượt thanh niên tình nguyện tham gia lên tới hơn 85.000 lượt…

Chương trình “Nối vòng tay thương” đã làm được điều vô cùng ý nghĩa là chăm lo cho trẻ mồ côi vì đại dịch. Hôm đó, tôi xem thời sự buổi tối, biết được nhiều trẻ em ở TP.HCM bị mồ côi cha mẹ do đợt dịch Covid-19. Hai người tôi liên hệ đầu tiên là lãnh đạo Báo Thanh Niên và Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia và đề nghị trong 3 ngày phải hình thành được chương trình để giúp đỡ các trẻ mồ côi. Ngay sau đó, Báo Thanh Niên đã thực hiện chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” để huy động nguồn lực xã hội giúp đỡ các trẻ mồ côi. Tiếp theo, T.Ư Đoàn đã phát động chương trình “Nối vòng tay thương” để bảo trợ các em đến năm 18 tuổi. Chúng tôi đã kết nối với Tập đoàn FPT để hỗ trợ các em khi đủ 16 tuổi được nuôi ăn học nội trú, để định hướng nghề nghiệp và phát triển tốt hơn. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ được 1.500 trẻ mồ côi và có 628 tổ chức cơ sở Đoàn cùng các tình nguyện viên đã nhận đỡ đầu cho các em.

Anh Nguyễn Anh Tuấn trao lương thực, thực phẩm hỗ trợ người nghèo trong chương trình “Triệu bữa cơm”

Đăng Hải

Tôi nghĩ rằng cái được lớn nhất từ các chương trình này là các bạn tình nguyện viên, các bạn thanh niên, cán bộ Đoàn, Hội cảm nhận được tình yêu thương giữa con người với con người, tinh thần tương thân, tương ái. Chúng tôi nhận thấy không phải cho đi mà là đang nhận lại.

Hạnh phúc của sự sẻ chia

Có kỷ niệm nào khiến anh nhớ mãi khi thực hiện những chương trình ý nghĩa đó?

Tôi rất xúc động khi có những việc T.Ư Đoàn chưa chỉ đạo, nhưng anh em cán bộ Đoàn cơ sở các tỉnh, thành đã tự kết nối với nhau để chia sẻ và tương trợ nhau từng mớ rau xanh, từng bao gạo. Tôi cũng rất xúc động khi có những người dân nghèo, những thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số ở miền núi gom từng quả bí, cân gạo ủng hộ tổ chức Đoàn, Hội để mang đi giúp đỡ vùng dịch. Trước đây, ở các thành phố lớn thường ủng hộ vùng khó khăn, nhưng khi đại dịch xảy ra thì sự tương trợ lại dường như đảo ngược. Tôi cũng rất xúc động khi nhiều doanh nhân trẻ mặc dù kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ tài chính cho việc phòng chống dịch. Chúng tôi cũng rất xúc động khi thăm tình nguyện viên, mặc dù làm việc rất vất vả trong bộ đồ bảo hộ, có khi đến kiệt sức nhưng lúc nào cùng dành sự quan tâm chăm sóc người già, em nhỏ ở các khu cách ly…

Khi phát động những chương trình như vậy, chúng tôi đã thấy được rất nhiều hình ảnh sống đẹp của người trẻ. Đấy chính là tình thương yêu của người trẻ với nhân dân được phát huy cao độ. Đấy chính là thời điểm các bạn đang sống đẹp nhất bằng những hoài bão lý tưởng, mong muốn được đóng góp, cống hiến của mình. Khi tham gia các công việc như vậy, ai cũng thấy không phải để được ghi nhận, mà để thấy mình trưởng thành hơn, được nhận nhiều hơn, được hạnh phúc hơn.

Để nhắn gửi tới thanh niên thông điệp của năm mới 2022, anh mong muốn điều gì?

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”. Tổng bí thư cũng thường nhắc tới câu nói của Pavel Korchagin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky là “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”. Tôi rất tâm đắc với những câu nói đó. Là người trẻ, chúng ta cần phát huy tinh thần dấn thân, nhân ái, buông bỏ cái tôi, vượt qua giới hạn của bản thân để đóng góp tốt hơn cho gia đình, quê hương, đất nước. Chúng ta hãy sống đẹp hơn mỗi ngày và dám dấn thân vì cộng đồng, vì những ước mơ tươi đẹp của mình, để có một cuộc đời ý nghĩa và được cảm nhận hạnh phúc của sự sẻ chia.

Trân trọng cảm ơn anh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.