Tiêu chảy đặc trưng với tình trạng đi phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày, đau bụng. Các triệu chứng của tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng. Trong nhiều trường hợp, tiêu chảy có thể tự hết mà không cần điều trị, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tiêu chảy có thể chuyển biến nghiêm trọng và gây mất nước, mất cân bằng điện giải. Nhóm có nguy cơ mắc tình trạng này là trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền.
Trong khi đó, một số trường hợp người trưởng thành vẫn có thể bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài. Khi đó, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này, từ đó tìm cách điều trị thích hợp.
Nếu bạn bị tiêu chảy sau khi ăn thì có thể do một số nguyên nhân. Đó có khả năng là do ngộ độc thực phẩm, xảy ra khi chúng ta ăn thực phẩm hay uống phải nước bẩn. Ngoài tiêu chảy, các triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ gồm buồn nôn, ói mửa, thường sẽ xảy ra trong vòng 1 giờ đến vài ngày sau khi ăn, uống.
Một nguyên nhân khác gây tiêu chảy sau khi ăn là tình trạng không dung nạp đường sữa lactose. Loại đường này có trong sữa. Với những người không dung nạp được lactose thì ruột sẽ xuất hiện phản ứng viêm khi tiêu hóa loại đường này. Kết quả là dẫn đến tiêu chảy.
Bệnh cúm dạ dày, thường là do nhóm virus norovirus gây ra, cũng là nguyên nhân khác gây tiêu chảy sau khi ăn. Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích hay bệnh celiac cũng có thể gây tiêu chảy. Ngoài tiêu chảy, triệu chứng kèm theo còn là đau bụng, đầy hơi.
Trong một số trường hợp, căng thẳng hay lo lắng mức độ nghiêm trọng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy sau khi ăn. Điều này là do căng thẳng kích hoạt cơ thể giải phóng một số loại hoóc môn nhất định. Chính các hoóc môn này làm đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, khiến thức ăn đi qua ruột quá nhanh, dẫn đến tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy nhẹ, điều đầu tiên là phải uống nhiều nước để ngăn cơ thể mất nước. Ưu tiên ăn các món như chuối, cơm vì những món dễ tiêu hóa này có thể giúp giảm triệu chứng tiêu chảy. Có thể dùng một số loại thuốc không kê đơn như Pepto-Bismol. Trường hợp tiêu chảy nặng, kéo dài thì cần đến bác sĩ điều trị, theo Medical News Today.
Bình luận (0)