Càng đẹp càng ra tiền
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, họa sĩ trưởng của NXB Phụ nữ, rất tâm đắc với câu chuyện bìa đẹp sách chạy mà ông từng chứng kiến. Khi đó, hai nhà sách cùng làm cuốn Đại Việt sử ký toàn thư với nội dung hoàn toàn giống nhau. Trong khi sách có mẫu bìa đẹp bán "tơi tới" thì sách có bìa xấu hơn gần như không bán được.
“Xót khoản vốn lớn đầu tư in bìa cứng hai tập dày, nhà sách có bìa xấu đã chấp nhận bóc bìa cũ, thuê họa sĩ có tay nghề cao làm bộ bìa mới và kết quả vượt cả mong đợi. Nếu hai quyển sách nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng một trong hai cuốn có bìa đẹp hơn, chắc chắn khách mua sẽ chọn quyển có bìa đẹp”, ông Khôi nhớ lại.
Bìa sách Dế mèn phiêu lưu ký phát hành năm 2021 của NXB Kim Đồng với tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long |
Nhưng một bìa sách không chỉ đẹp là đủ. Ông Khôi cho rằng vai trò của bìa sách đang chuyển từ việc chỉ đơn thuần bảo vệ các trang bên trong, sang đảm nhiệm chức năng quảng cáo, đồng thời truyền đạt nội dung cuốn sách.
“Các nhà thiết kế vẫn đang cố gắng đẩy thiết kế đến giới hạn của nó với hy vọng thu hút được doanh số nhiều hơn. Bìa sách đang đứng giữa ranh giới mong manh của một bên là nghệ thuật, là thẩm mỹ và bên kia là thương mại, là doanh thu. Đòi hỏi sự hài hòa giữa hai yếu tố này cũng là rất chính đáng”, ông Khôi nêu quan điểm.
Các nhà thiết kế vẫn đang cố gắng đẩy thiết kế đến giới hạn của nó với hy vọng thu hút được doanh số nhiều hơn.
Bìa sách đang đứng giữa ranh giới mong manh của một bên là nghệ thuật, là thẩm mỹ và bên kia là thương mại, là doanh thu. Đòi hỏi sự hài hòa giữa hai yếu tố này cũng là rất chính đáng.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi
Chia sẻ về công nghệ làm bìa sách, họa sĩ Nguyễn Lê Tâm, Báo Công An Nhân Dân, cho biết trước đây khi không có công nghệ hỗ trợ, họa sĩ làm bìa rất vất vả, tốn công. Tới giờ có công nghệ số hỗ trợ, tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ tốt quá lại khiến họa sĩ lười, nhặt sẵn tư liệu trên mạng về ghép. “Ngày xưa hầu như ai cũng đọc Dế mèn phiêu lưu ký. Nhân vật trong sách tuy là con vật nhưng nó như con người. Tôi đã thấy một cái bìa lấy hình một con dế mèn rất sinh học thả vào một cách vô hồn, chứng tỏ người làm bìa không đọc tác phẩm”, ông Tâm nói.
Bìa sách do họa sĩ Ngô Xuân Khôi thiết kế |
NVCC |
Thị trường chuyên nghiệp
Họa sĩ Công Quốc Hà cũng yêu mến thời kỳ dụng công vẽ tay và in typo. Thời kỳ đó, họa sĩ mất công nhưng cũng có cái hay. Cái hay đó chính là vẻ đẹp của tạo hình cá nhân, sự sáng tạo của họa sĩ thuần khiết. Họ không ỷ lại vào cái “ảo” của máy tính, dễ dẫn đến không biết kiềm chế và trở thành lạm dụng.
“Có một bác quen tôi, mua được cuốn sách bìa in typo có 2 màu bức tranh Phố của danh họa Bùi Xuân Phái.
Bác khoe với tôi là cho vào khung kính để chơi như một bức tranh khắc gỗ rất đẹp”, ông Hà cho biết. Họa sĩ Hà cũng cho rằng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp nên giới thiệu cho sinh viên hiểu về quá trình thực hiện một tác phẩm đồ họa in typo.
Theo ông Ngô Xuân Khôi, tại Việt Nam các cơ sở đào tạo họa sĩ đồ họa nhiều nhưng chuyên sâu về thiết kế bìa sách hầu như chưa có. Ngay cả các nơi đào tạo này thì giáo trình, giáo án cũng không có, hoặc có cũng không đầy đủ và khá sơ sài.
Bìa sách Dế mèn phiêu lưu ký không vẽ dế mèn như một nhân vật có tính cách người |
Một trong các ấn bản Đại Việt sử ký toàn thư |
“Bản thân các giảng viên cũng chỉ dạy về thẩm mỹ, bố cục, màu sắc chứ không phải là người có trải nghiệm thực tế của các công đoạn thiết kế in ấn một bìa sách cụ thể. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa ở các cơ sở đào tạo, sinh viên vẫn phải qua quá trình đào tạo lại mới có thể làm việc được”, ông Khôi đánh giá. Vì thế, ông cho rằng các trường nên có thời lượng nhất định để sinh viên thực tập tại các nhà xuất bản, các cơ sở in ấn để có những trải nghiệm trong chuỗi quy trình sáng tạo, biên tập, chế bản, in ấn, phát hành sản phẩm.
Cũng theo ông Khôi, sự nở rộ các nhà sách tư nhân thời gian gần đây làm cho thị trường sách ngày càng sôi động, đa dạng, phong phú, nhưng cũng có sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn ở ta là nhuận bút và thù lao cho họa sĩ thiết kế bìa vẫn ở mức quá thấp. “Tôi vào mạng tìm hiểu thì các họa sĩ thiết kế bìa quốc tế có mức giá dao động từ 600, 700 đến 2.000, 3.000 USD/bìa sách. Ngay nhà xuất bản nơi tôi công tác, tác giả cũng đã chi trả cho họa sĩ người nước ngoài thiết kế bìa 1.000 USD/bìa sách”, ông Khôi chia sẻ.
Triển lãm Bìa sách Việt Nam 2022 là triển lãm chuyên đề của Chi hội Đồ họa 2 Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam, tổ chức tại 16 Tràng Tiền, Hà Nội từ ngày 8 - 15.5.
Sự kiện quy tụ hơn 40 họa sĩ chuyên vẽ bìa sách cùng với sự trưng bày của các NXB Giáo dục, Kim Đồng, Phụ nữ, Mỹ thuật, Nhã Nam, Thái Hà Books với rất nhiều tựa sách hay và thiết kế bìa đẹp. Đây cũng là lần đầu tiên Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm bìa sách.
Bình luận (0)