BIDV dự kiến bán 15% vốn cho ngân hàng Hàn Quốc

Thanh Xuân
Thanh Xuân
31/10/2018 16:26 GMT+7

Thông tin BIDV bán 15% cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài kiến giá cổ phiếu này tăng kịch trần trong ngày 31.10, chấm dứt chuỗi ngày dài giảm giá trước đó.

Ngày 31.10, giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng kịch trần với mức tăng 1.900 đồng/cổ phiếu, lên 29.500 đồng/cổ phiếu.
BIDV đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Đây là ngân hàng do Chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1967 với tên gọi là Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc do phát triển bộ phận kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Năm 1968 ngân hàng này đổi tên thành Korea Exchange Bank (KEB) và tư nhân hóa vào năm 1989. Ngày 1.9.2015, KEB sáp nhập với Hana Bank và được gọi là KEB Hana Bank. Kể từ ngày 31.12.2015, Tổ chức tài chính Hana Financial Group Inc sở hữu toàn bộ cổ phần của KEB Hana Bank. KEB Hana Bank đã đáp ứng các điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV theo quy định tại Nghị định 01/2014 của Chính phủ quy định nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
Vốn điều lệ hiện tại của BIDV hơn 34.187 tỉ đồng. Dự kiến tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là hơn 603 triệu cổ phần. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỉ đồng. Sau phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỉ đồng. Thời gian phát hành dự kiến là năm 2018 - 2019. Thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược là tối thiểu 5 năm kể từ khi đối tác lần đầu tiên trở thành cổ đông của ngân hàng.
Cơ cấu cổ đông của BIDV hiện có 95,28% là cổ đông Nhà nước, 4,72% thuộc về cổ đông ngoài Nhà nước. Sau khi phát hành cổ đông Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu về 80,99%, cổ đông nước ngoài chiếm 15% và cổ đông ngoài Nhà nước khác là 4,01%.
Vốn điều lệ tăng thêm qua phát hành cổ phần riêng lẻ dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý, chẳng hạn hoạt động tín dụng, đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh.
BIDV đặt mục tiêu năm 2018 tăng trưởng tín dụng 14%, lợi nhuận trước thuế 9.300 tỉ đồng và nợ xấu dưới 2%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.