'Biến' biệt thự Pháp xuống cấp thành trung tâm giao lưu văn hóa

Ngọc An
Ngọc An
28/04/2022 06:39 GMT+7

Dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo , 46 Hàng Bài, Hà Nội đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng đã được khởi công vào ngày 27.4.

Theo dự kiến, chưa đầy 1 năm nữa, nơi này sẽ trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.

“Dự án sẽ phục hồi công trình trên nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại đảm bảo không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc và phát huy giá trị công trình”, ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, chủ đầu tư dự án, cho biết. Theo dự kiến, Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp là nơi những người yêu di sản khi đến sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành bảo tồn cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới của Hà Nội.

Hình ảnh nhà biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài đang bị xuống cấp, hư hỏng

Ngọc An

Căn biệt thự nằm tại góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Đây là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc khởi công dự án có thể tạo nên cú hích trong việc bảo tồn, phát huy giá trị những biệt thự cũ tại Hà Nội. “Có khoảng hơn 1.200 biệt thự cũ, có những biệt thự phát huy được giá trị, nhưng cũng có những biệt thự bị chìm trong lãng quên do xuống cấp, hay do công năng sử dụng. Bởi vậy, dự án này hoàn thành có thể tạo ra tư liệu hướng dẫn, kinh nghiệm, trong phương pháp bảo tồn công trình kiến trúc Pháp. Bên cạnh đó, từ đây, cũng cần có luật để người sử dụng biệt thự cũ tuân thủ, để những công trình này vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa được bảo vệ những giá trị văn hóa”, ông Quốc nói.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng cùng với việc bảo tồn, cần chú ý đến cả kinh tế đô thị. “Bởi điều đó sẽ thúc đẩy không chỉ phát triển bền vững mà còn tạo nên sự bảo tồn bền vững. Đây là vấn đề mới chúng ta cần chú trọng trong những công trình cần bảo tồn, chẳng hạn như nhà biệt thự này”, ông Nghiêm chia sẻ và nói thêm: “Cần có sự quan tâm của người dân. Bởi khi công trình trở thành không gian công cộng thì mới hấp dẫn được mọi người, đồng thời mới phát huy được ý nghĩa của bảo tồn”. Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết đây cũng là mục tiêu hướng đến của Hà Nội với những công trình như biệt thự này.

Ông Tuấn nhìn nhận, giai đoạn lịch sử phát triển thủ đô đã tạo nên quỹ di sản gồm những biệt thự, công trình kiến trúc Pháp được xây dựng trước năm 1954. Theo ông Tuấn, việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử những công trình như vậy còn góp phần “đồng bộ” với quỹ di sản thời kỳ trước đó và kể cả thời kỳ sau 1954, tạo ra tổng thể hệ giá trị trong không gian di sản. Biệt thự nằm ở vị trí kề cận khu vực hồ Gươm sau khi hoàn thành tu bổ góp phần tạo nên tổng thể vùng di sản đặc biệt với khu phố cổ, khu phố cũ.

Ông Tuấn cho biết thêm, tới đây, Hà Nội sẽ rà soát và củng cố trên 1.200 biệt thự cũ, trong đó có danh mục công trình kiến trúc Pháp, để quỹ di sản kiến trúc cũ được định hình. Theo ông Tuấn, TP.Hà Nội sẽ hoàn chỉnh lại quy chế sử dụng biệt thự cũ, quy chế sử dụng công trình kiến trúc có giá trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.