Biên cương hữu nghị: Gắn chặt tình quân dân

30/05/2024 06:13 GMT+7

Dấu chân của những người lính biên phòng tỉnh Gia Lai dọc dải biên giới tiếp giáp với Campuchia đã góp phần mang lại bình yên, gắn chặt tình quân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ở đó, "đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" với bao câu chuyện nhân văn được viết nên.

Biên cương vững chắc

Gia Lai có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh trong khu vực Tây nguyên, phía tây giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia) với đường biên giới dài gần 90 km.

Khu vực biên giới của Gia Lai có 48 thôn, làng trên địa bàn 7 xã thuộc các huyện Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông, với 24 dân tộc anh em đang sinh sống.

Biên cương hữu nghị: Gắn chặt tình quân dân- Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Púch lên đường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới

Trần Hiếu

Chúng tôi đến các xã biên giới Ia O, Ia Pnôn, Ia Chía, Ia Piơr… ở các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông trong mùa khô với cái nóng hầm hập, oi bức đến khó chịu. Những cung đường dọc dải biên giới ở Gia Lai đã được đổ bê tông, lát nhựa đến tận từng đồn biên phòng, đến trung tâm xã và tỏa xuống các thôn, làng. Mùa này, bà con đồng bào dân tộc thiểu số đủ thứ việc, nào là thu hoạch mì, điều, tưới cà phê, chăm lúa… Mọi người phải đưa gia súc vào sâu hơn trong rừng tìm thức ăn, nguồn nước. Họ ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến chiều tối mới trở về.

Những thôn làng dọc biên giới ngày càng trù phú, đời sống bà con ngày càng khấm khá. Theo ông Puih Thu (ở xã Ia O, H.Ia Grai), dọc tuyến biên giới đất đã không phụ sức người và còn có sự hỗ trợ, giúp sức của nhiều nguồn lực, trong đó có lực lượng bộ đội biên phòng. "Cán bộ biên phòng xuống từng nhà động viên người dân yên tâm làm ăn, rồi còn chỉ bảo việc trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm, động viên người dân cho con cháu đến trường, học cao lên. Nhiều việc tốt lắm", ông Puih Thu nói.

Suốt nhiều năm qua, sự ổn định về kinh tế lẫn chính trị dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã mang lại nhiều đổi thay cho những vùng đất nghèo khó. Nhiều xã đã đạt chuẩn nông thôn mới với sự thay đổi cơ bản cả chất lẫn lượng.

Biên cương hữu nghị: Gắn chặt tình quân dân- Ảnh 2.

Giúp dân dựng lại nhà sau thiên tai

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó bí thư Đảng ủy xã Ia Nan (H.Đức Cơ), chính quyền địa phương, Đồn biên phòng Ia Nan luôn phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, giúp người dân phát triển kinh tế. Hai bên chú trọng tuyên truyền cho người dân về quy chế biên giới, không xâm lấn, xâm canh ở khu vực biên giới chưa được cắm mốc do đồn biên phòng quản lý. Nhờ vậy, các vụ việc vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới được kéo giảm, ý thức người dân được nâng cao hơn.

"Những năm qua, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của những địa phương khu vực biên giới có sự chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Đến nay đã có 3/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động nền nếp, hiệu quả", thượng tá Rơmah Tuân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai, cho biết.

Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" được lực lượng biên phòng tỉnh Gia Lai triển khai tới các thôn, làng bằng nhiều hình thức như: tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, các buổi sinh hoạt ở các làng, phát tờ rơi… Thực tế, phong trào này đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Người dân chính là tai mắt của bộ đội biên phòng trên vùng biên giới. Những việc bất thường luôn được bà con ghi nhận, thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng để nắm bắt, xử lý.

Biên cương hữu nghị: Gắn chặt tình quân dân- Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Mơ tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy Đồn biên phòng Ia Nan, chia sẻ: "Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động trên địa bàn đóng chân, tham gia giúp đỡ gia đình chính sách, người già neo đơn, giúp dân thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp… Những hoạt động của chúng tôi được người dân tin tưởng. Màu xanh áo lính cũng neo lại tình gắn kết quân dân nơi vùng biên giới này".

Những chương trình nhân văn

Chương trình "Nâng bước em tới trường" được Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay. Theo đó, mỗi thủ trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai và mỗi phòng, văn phòng nhận đỡ đầu cho 2 cháu; mỗi đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động nhận đỡ đầu từ 2-3 cháu. Hiện có 50 cháu được hỗ trợ, trong đó 45 cháu ở 7 xã biên giới, 4 cháu là người Campuchia, 1 cháu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai. Hằng tháng, thủ trưởng hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tự nguyện đóng góp 40.000 đồng/tháng…

Biên cương hữu nghị: Gắn chặt tình quân dân- Ảnh 4.

Các cháu mồ côi, gia cảnh khó khăn được nhận nuôi, tạo điều kiện đến trường

Nhờ đó, các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi ở khu vực biên giới được tiếp tục đến trường. Các cháu được hỗ trợ tiền mặt, đồ dùng học tập… Và mỗi dịp khai giảng, các chiến sĩ biên phòng lại đến từng nhà để sắm thêm áo quần, đồng hành với các cháu chào đón năm học mới. Hình ảnh màu áo lính biên phòng cùng học sinh được đỡ đầu rạng rỡ trong ngày tựu trường đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân vùng biên từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, chương trình "Con nuôi đồn biên phòng" cũng được Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thực hiện từ năm 2019. Đã có nhiều cháu mồ côi được bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập ở nhà công tác địa bàn đồn biên phòng. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ tự nguyện tham gia đóng góp quỹ "Con nuôi đồn biên phòng" với mức 4,8 triệu đồng/đơn vị/năm.

Đã có hàng trăm triệu đồng được đóng góp để giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Cứ mỗi tối, các cháu được các cán bộ, chiến sĩ kiểm tra bài vở ở lớp và phụ đạo thêm cho những cháu còn hổng kiến thức.

Đối với các học sinh còn thiếu phương tiện, đồ dùng học tập, với nhiều nguồn lực từ đóng góp cho đến kêu gọi hỗ trợ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã có những phần quà cụ thể. Những cháu học khá, giỏi luôn được động viên kịp thời để khuyến khích các cháu có thêm niềm vui, động lực phấn đấu.

Tại xã Ia Pnôn, lực lượng biên phòng đã cùng với công an, hội phụ nữ... vận động các gia đình nói không với tình trạng tảo hôn. Nhiều học sinh lớp 8, 9 có ý định bỏ học, ở nhà lấy vợ, lấy chồng đã được vận động trở lại trường lớp.

Chị Rơ Châm Hrim, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Pnôn, chia sẻ: "Nhờ Hội phụ nữ và bộ đội biên phòng tuyên truyền mà người dân hiểu được lập gia đình sớm là vi phạm pháp luật, sẽ gây nhiều hệ lụy. Từ đó nạn tảo hôn đã dần dần được ngăn ngừa hiệu quả". 

Việc triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp gặp không ít khó khăn. Vào mùa mưa, đường sá lầy lội, mực nước sông, suối dâng cao nên đi lại rất vất vả. Mùa khô thì nóng nực, thiếu nước sạch khiến các tổ chốt trên biên giới gặp khó trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy vậy, chúng tôi luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung tá Nguyễn Quang Công

(Đồn trưởng Đồn biên phòng Ia Pnôn, H.Đức Cơ)

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.