|
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 1: Bức điện cuối cùng của đồn Pha Long
Những đêm gần cuối tháng 7.2014, nghĩa trang mỏ thiếc Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) lung linh với hàng trăm ngọn nến, soi sáng cả một vùng rừng núi âm u.
Đêm cầu siêu các anh linh liệt sĩ, mặc cho mưa bay, mặc cho gió thổi, một người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần trầm ngâm ngồi bên những ngôi mộ tinh tươm mới xây. Tiếng ông khấn rì rầm lẫn vào tiếng gió. Thi thoảng ông đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn trên má. Nước mắt nhớ thương những đồng đội hơn 35 năm không còn gặp lại.
Ông là Hoàng Quốc Bình, người đồng đội duy nhất có mặt tại đây để mừng cho đồng đội về “nhà mới”. Và trận chiến ngày 20.2.1979 cứ hiện về trước mắt ông, cứ như mới hôm qua.
Quyết chiến giữ mỏ
Ngày ấy, các anh Nguyễn Văn Hoằng (quê Hà Nam Ninh), anh Dương Viết Lành (Quảng Bình), Nguyễn Văn Thành (Bắc Ninh), Phạm Văn Luân (Ninh Bình)… đều là những kỹ sư trẻ tuổi ngoài 20, vừa được đi đào tạo ở nước ngoài về. Theo tiếng gọi của của Tổ quốc, các anh xung phong lên công tác tại mỏ thiếc Tĩnh Túc.
|
“Khi hay tin quân Trung Quốc tràn sang xâm chiếm đất nước, trong đó có tỉnh Cao Bằng, ngày 17.2.1979, chúng tôi là những thanh niên được đơn vị triệu tập vào trung đội tự vệ mỏ nhận nhiệm vụ chặn đánh địch.
Chiều 18.2, cả đội được lệnh di chuyển xuống nhà máy thủy điện Tà Sa. Ghé qua huyện đội Nguyên Bình chúng tôi được trang bị thêm vũ khí. Thú thật, có người trong chúng tôi lúc đó chỉ quen lái máy xúc, máy ủi, chứ chưa bao giờ cầm súng, cầm lựu đạn”, ông Bình nhớ lại.
Mờ sáng 19.2, cùng với hai đồng đội, ông Bình được cử đi trinh sát. Phát hiện một toán quân mặc quân phục xanh giống hệt bộ đội Việt Nam, chỉ khác ngôi sao 5 cánh trên mũ không có khuôn viền tròn ở ngoài, đoán là địch, đội trinh sát chạy về cấp báo.
“Xét về tương quan lực lượng, mình yếu hơn địch rất nhiều. Để bảo toàn lực lượng, chúng tôi quyết chống trả đến cùng. 7 giờ 30 phút sáng, quân địch tiến đánh điểm chốt của ta trên quốc lộ 34. Trung đội tự vệ đã chiến đấu kiên cường, tiêu diệt tại chỗ và làm bị thương 80 tên địch. Chúng tôi đã bảo vệ được cây cầu Tà Sa, chặn đứng không để quân Trung Quốc tiến vào huyện Nguyên Bình và mỏ thiếc Tĩnh Túc phá hoại. Nhưng cũng trong trận đánh ác liệt đó, tôi đã mất đi 15 đồng đội”, ông Bình kể.
Nỗi đau người ở lại
Theo lời ông Bình, đa số anh em trong đội tự vệ từ dưới xuôi lên, chưa lập gia đình nên được phân công ở tập thể cùng nhau. Người đến từ Hà Bắc, Hà Nam Ninh, hay Hải Hưng… nhưng sống với nhau như anh em, chẳng so đo, so bì.
Tuổi đôi mươi, tương lai của những anh kỹ sư, công nhân đang rạng ngời ở phía trước nhưng tất cả đều bị quân Trung Quốc xâm lược cướp mất, từ những ước mơ đến hạnh phúc nơi quê nhà.
Dẫn chúng tôi đến từng ngôi mộ, ông Bình đau đớn kể: “Đây là anh Dương Viết Lành. Khi anh ra đi để lại người vợ trẻ đang mang thai. Vì quá đau buồn trước cái chết của chồng, sức khỏe suy sụp, sau khi sinh, chị cũng đi theo anh mãi mãi. Đứa con bé bỏng tội nghiệp của anh, sau đó được ông bà dưới quê đón về nuôi”.
“Và còn nữa, anh Phạm Vũ Luân, người trong lao động sản xuất vô cùng tích cực. Trong tình cảm thì hết chê. Chính anh là người chỉ bảo chúng tôi cầm súng. Còn anh Nguyễn Văn Hoằng, chúng tôi hoàn toàn khâm phục anh. Nếu anh còn sống, có thể anh đã là lãnh đạo mỏ hoặc là kỹ sư giỏi đầu ngành”, ông Bình kể tiếp.
|
Với những người đã có gia đình, sự thiếu vắng người chồng, người cha, thiếu đi trụ cột, cuộc sống vốn đã khó khăn, lại càng trở nên cơ cực.
Bà Hoàng Thị Thể, vợ liệt sĩ Chu Văn Thoát, ngậm ngùi: “Ông ấy người Trùng Khánh, mồ côi cha mẹ từ bé. Cả hai đều là công nhân mỏ, gặp nhau nên duyên vợ chồng. Khi nhận được lệnh điều động, ông ấy vội vã ra đi, chưa kịp ăn sáng và nhắn nhủ vợ con điều gì. Còn 4 mẹ con gồng gánh đi sơ tán. Một tháng sau trở về, chỉ biết ôm nấm mồ mà khóc. Một mình nuôi 3 con nhỏ, đứa lớn 13, đứa nhỏ 7 tuổi, đồng lương công nhân còm cõi không đủ sống. Ngày ngày tôi trồng rau, nuôi lợn. Đứa lớn, sáng đi học, chiều chở giá đỗ đi bán. Vậy mà bữa đói, bữa no”.
35 năm lùi xa, nhưng những nỗi đau vẫn dai dẳng ở lại. Vợ liệt sĩ Lý Văn Nhân, bà Đinh Thị Thóa, là một trong số đó.
Chồng mất, gánh nặng dồn lên vai người phụ nữ, nên bà không thể cáng đáng nuôi nổi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Đứa con trai duy nhất, bị mất trí, khi lên cơn hay đánh đập bà. Nó còn bán hết cả đồ đạc, giường tủ trong nhà. Còn cô út, năm 1997 bị lừa bán sang Trung Quốc, đến giờ vẫn bặt tin.
Mặc dù tay bị liệt, đi phải chống gậy, bà Thóa vẫn một mực đòi anh Cao Văn Đang, con rể đưa đến nghĩa trang để thắp một nén nhang lên ngôi mộ mới được sửa sang của chồng. Anh Đang cho hay, do buồn chuyện chồng con, nên sức khỏe bà suy sụp như vậy.
Ông Hoàng Quốc Bình cho biết: “Căn nhà xây từ những năm 1963 đến giờ, mưa nắng vẫn lo dột vào nhà. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện nhưng gia đình bà Đinh Thị Thóa cũng chưa có một mái nhà thực sự êm ấm. Trách nhiệm của chúng tôi, trách nhiệm của địa phương và những người còn sống là để bà không còn chịu cảnh vất vả”.
|
Thay mặt những người thân, đồng đội đã nằm xuống ở Tĩnh Túc, ông Bình cảm ơn Báo Thanh Niên, các nhà tài trợ đã giúp "nhà mới" cho các liệt sĩ chống Trung Quốc. Ông Bình bày tỏ: “Việc tu sửa, nâng cấp lại nghĩa trang là sự khởi đầu. Về phần mình, tôi hy vọng sẽ cùng với địa phương làm tốt công tác chính sách xã hội, nhất là đối với các gia đình liệt sĩ. Đây cũng là cách tri ân tốt nhất của những người còn sống với các liệt sĩ nằm xuống. |
Thu Hằng
>> Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá
>> Anh ở biên cương - Kỳ 2: Đau đáu Sì Lờ Lầu
>> Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân
>> Anh ở biên cương - Kỳ 4: Máu đổ trên đường tuần tra
>> Anh ở biên cương - Kỳ cuối: Mốc son chót vót địa đầu
Bình luận (0)