Biến đổi khí hậu có thể thành cơ hội cho ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
03/12/2019 08:08 GMT+7

Một chương trình chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL hợp tác giữa Hà Lan - Việt Nam vừa chính thức khởi động với mục tiêu “biến” những khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu thành cơ hội cho nông nghiệp.

Phân vùng trên điều kiện thủy lợi

“Biến nghịch cảnh thành cơ hội” là chủ đề của báo cáo Chương trình chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL (viết tắt là MD-ATP) được tham vấn ngày 2.12 tại Cần Thơ. Chương trình do Đại sứ quán Hà Lan và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN-PTNT tổ chức, nhằm thu thập ý kiến từ các chuyên gia Việt Nam - Hà Lan và các bên liên quan để hoàn thiện cho MD-ATP.
Trong giai đoạn đầu từ năm 2020 - 2023, chương trình này sẽ xúc tiến phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại 6 vùng sinh thái nông nghiệp của ĐBSCL.
Cụ thể là vùng thượng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười gắn với chiến lược kiểm soát lũ và nông nghiệp dựa vào lũ thượng nguồn; vùng giữa sông Tiền và sông Hậu gắn với chiến lược phát triển và hiện đại hóa cây trồng, thủy sản; vùng phía tây sông Hậu gắn với trung tâm công nghiệp vận chuyển; vùng ven Biển Đông và vùng bán đảo Cà Mau gắn với chiến lược giải quyết sự cạn kiệt của tầng ngậm nước (chủ yếu cho nuôi tôm thâm canh); vùng biển sẽ tập trung phát triển đánh bắt hải sản gần và xa bờ...
Ông Martijn van de Groep, Trưởng nhóm chuyên gia giai đoạn chuẩn bị MD-ATP, cho biết việc phân vùng trọng điểm dựa trên điều kiện thủy lợi, đặc điểm đất, nguy cơ về khí hậu, các hệ thống sản xuất, khả năng thích ứng, giao thông vận chuyển và nhu cầu, cơ hội thị trường.
Giai đoạn tiếp theo, những bài học từ việc phát triển các chuỗi giá trị ở các vùng trọng điểm sẽ được vận dụng rộng rãi. Chương trình sẽ được hoàn thành vào năm 2030, sau khi đã phát triển và hiện đại hóa một loạt các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại ĐBSCL.

ĐBSCL trồng quá nhiều lúa

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng sản xuất ĐBSCL đối diện hàng loạt những thách thức như biến đổi khí hậu, hoạt động thượng nguồn, thị trường, khoa học công nghệ, chính sách, đầu tư. Nhưng các thách thức này cũng có thể chuyển hóa thành cơ hội.
Bối cảnh biến đổi khí hậu, sụt lún đất, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm nước mặt, thiếu nước ngọt, suy giảm nước ngầm... có thể là cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn, cây chịu mặn, đặc sản, giá trị cao. Những khó khăn về thị trường lại mở ra cơ hội phát triển những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, trái cây, dừa, gạo chất lượng cao, nguồn lợi thủy sản, du lịch...
Đóng góp cho MD-ATP, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, vấn đề của ĐBSCL vẫn là quá nhiều lúa. Hơn 40 năm qua, lúa gạo đã làm nên nhiều kỳ tích nhưng nghịch lý là nông dân vẫn nghèo. “Trở ngại rất lớn là hệ thống thủy lợi mấy chục năm nay đều tập trung cho cây lúa. Ai muốn làm trái cây tự phát làm, ai muốn nuôi tôm cũng tự phát. Và cái yếu kém nhất là tới giờ này vẫn đầu tư cho thủy lợi, để tiếp tục trồng lúa. Cần phải tính lại đầu tư thế nào cho bền vững, trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển bớt tiền làm thủy lợi sang làm hạ tầng khác, các mô hình hiệu quả rồi khuyến khích nông dân theo”.
TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ một “chìa khóa” quan trọng mà MD-ATP cần chú ý là “tri thức bản địa”. Đó là kinh nghiệm của người dân vốn đã giải quyết được những vấn đề rất hệ trọng. Như việc dân ĐBSCL từ xa xưa đã phân ra 4 vùng: miệt ruộng, miệt bưng, miệt vườn và miệt biển. Đối với miệt ruộng mỗi năm trồng có một vụ lúa, rồi để cho môi trường thông thoáng. Nhờ đó, mỗi năm đồng ruộng nhận 15 - 20 mm phù sa, thành thử 100 năm nhận 2 m “có gì phải sợ lún”. “Vấn đề là bấy lâu nay, các địa phương xây hệ thống đê khép kín, có hệ thống cống bọng điều tiết kiểu nước lớn chặn, nước ròng xả thì lấy đâu phù sa vô ruộng được. Để thay đổi hay điều chỉnh phải truy tận gốc rễ vấn đề dựa vào tri thức bản địa, nhưng điều này lại đang bị bỏ sót”, ông Ni nói.
“Nông dân cần được tư vấn, hỗ trợ từ các mô hình, phát kiến mới cho thấy rõ lợi ích. MD-ATP sẽ kết nối, xem xét, đánh giá, nghiên cứu giúp nông dân thay đổi phát triển bền vững. Đây không chỉ là hợp tác riêng hai chính phủ Hà Lan - Việt Nam mà còn với các đối tác quốc tế cùng hướng tới sự phát triển bền vững của ĐBSCL”, ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, nói.

Cần phải tính lại đầu tư thế nào cho bền vững, trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển bớt tiền làm thủy lợi sang làm hạ tầng khác, các mô hình hiệu quả rồi khuyến khích nông dân theo

GS-TS Võ Tòng Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.