Biện pháp hiệu quả, tiết kiệm và an toàn để dự phòng ung thư cổ tử cung

25/05/2019 08:12 GMT+7

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư mà phụ nữ thường gặp phải, đứng thứ 4 trên thế giới sau ung thư vú. Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 7 người tử vong vì căn bệnh này.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung. UTCTC là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Nữ giới mắc UTCTC thường ở độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi), người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, phụ nữ trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.
Tại Hội thảo khoa học “Vì sức khỏe phụ nữ hôm nay và ngày mai”, trong khuôn khổ Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 19, tiến sĩ, bác sĩ Quek Swee Chong đã chia sẻ về căn bệnh ung thư cổ tử cung

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Đa số các trường hợp mắc UTCTC là do nhiễm HPV (Human Papillomavirus) nguy cơ cao. HPV là một nhóm gồm hơn 170 chủng vi rút liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục.
HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có 14 chủng HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân gây nên 70% các trường hợp UTCTC. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để đào thải vi-rút ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, các trường hợp cơ thể không thể tự đào thải, nhiễm kéo dài hoặc tái nhiễm nhiều lần, vi rút có thể gây biến đổi tế bào cổ tử cung, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các thương tổn tiền ung thư và cuối cùng tiến triển đến UTCTC trong tương lai.
Tại sao nên tầm soát ung thư cổ tử cung? Tầm soát UTCTC là cách hiệu quả nhất để phát hiện HPV, giúp phát hiện sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng và có kế hoạch theo dõi hoặc điều trị kịp thời.
Việc nhiễm HPV nếu được phát hiện sớm bằng cách tầm soát hiệu quả thì có thể tránh được nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Phương pháp xét nghiệm HPV DNA là gì?

Xét nghiệm HPV DNA là một trong những phương pháp hữu hiệu và tiên tiến trong việc tầm soát và góp phần chẩn đoán sớm UTCTC ở phụ nữ.
Theo phác đồ của Bộ Y tế và của các bệnh viện phụ sản lớn, phụ nữ từ 30-65 tuổi có thể lựa chọn hoặc xét nghiệm HPV DNA hoặc Pap smear (XN tế bào học) như là xét nghiệm bước đầu (xét nghiệm đơn lẻ đầu tiên) hoặc phối hợp cả 2 loại xét nghiệm này để tầm soát UTCTC. Ngày nay, các nước như Mỹ, Úc, Hà Lan, Thụy Điển… đã đưa xét nghiệm HPV DNA vào chương trình tầm soát UTCTC quốc gia để thay thế xét nghiệm Pap.
Khi bạn bị nhiễm HPV không có nghĩa là bạn mắc ung thư cổ tử cung mà chỉ có khả năng làm tăng nguy cơ. Do đó, nếu bị nhiễm HPV, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các bước tiếp theo về chăm sóc sức khỏe, có thể bao gồm giám sát theo dõi, kiểm tra thêm, hoặc điều trị nếu ở giai đoạn tiền ung thư. Phụ nữ nên xét nghiệm HPV DNA định chủng (xác định chủng HPV nào bị nhiễm) để xác định riêng HPV 16 và 18 vì đây là loại HPV gây ra hơn 70% trường hợp UTCTC. Nhiễm một trong 2 HPV này hoặc nhiễm cả 2 chủng HPV này đều có các bước theo dõi đặc biệt theo phác đồ của bệnh viện hay của Bộ Y tế. Xác định nhiễm 12 HPV nguy cơ cao còn lại đều có chung một cách xử trí là theo dõi và xét nghiệm lại, vì các trường hợp ung thư CTC của 12 chủng HPV này cộng lại chỉ khoảng 27%.
Hiện nay, phương pháp xét nghiệm HPV DNA đã có mặt tại các bệnh viện trong cả nước, phụ nữ có thể lựa chọn các bệnh viện lớn, bệnh viện và phòng khám tư nhân có khám phụ khoa uy tín để được tầm soát hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.