Bình Định: Thắng cảnh Ghềnh Ráng được xếp hạng 29 năm vẫn chưa có mốc bảo vệ

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
18/10/2022 09:12 GMT+7

Đồi Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn, Bình Định ) được xếp hạng thắng cảnh quốc gia từ năm 1991, diện tích bảo vệ bao gồm toàn bộ núi Xuân Vân nhưng đến nay vẫn chưa được cắm mốc giới bảo vệ.

Ngày 17.10, Báo Thanh Niên đã nhận được văn bản của Sở VH-TT tỉnh Bình Định phản hồi về vụ việc khai thác bạch đàn tại thắng cảnh Ghềnh Ráng (còn gọi là Gành Ráng, ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định).

UBND phường đồng ý cho khai thác là không phù hợp

Theo Sở VH-TT tỉnh Bình Định, thắng cảnh Ghềnh Ráng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng thắng cảnh quốc gia vào tháng 11.1991. Theo hồ sơ xếp hạng, khu vực bảo vệ (khu vực bảo vệ 1) là 10 ha, khu vực điều chỉnh xây dựng (khu vực bảo vệ 2) bao gồm toàn bộ núi Xuân Vân rộng 50 ha.

Đường vào khu danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng

bảo thoa

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, diện tích khai thác bạch đàn của hộ ông Lê Minh Tài khoảng 2 ha, thuộc khu vực bảo vệ 2 của thắng cảnh Ghềnh Ráng. Ông Tài không khai thác trắng, chỉ chọn tỉa cây lớn, không phát dọn và không đốt lớp thực bì, đồng thời sử dụng tuyến đường giáp biển và một số lối mòn để vận chuyển bạch đàn. Hiện ông Tài đã dừng việc khai thác.

Theo Sở VH-TT tỉnh Bình Định, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và ý kiến tham gia của đại biểu các sở, ngành, việc khai thác bạch đàn của hộ ông Lê Minh Tài trên diện tích đất được giao quản lý là phù hợp với quy định của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Gỗ bạch đàn được ông Tài khai thác tại đồi Ghềnh Ráng

bảo thoa

Tuy nhiên, việc UBND P.Ghềnh Ráng thống nhất cho hộ ông Lê Minh Tài khai thác cây bạch đàn trong khu vực bảo vệ danh thắng Ghềnh Ráng mà chưa có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về danh thắng này là chưa phù hợp với công tác bảo vệ và phát huy giá trị danh thắng, ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan của danh thắng.

Sở VH-TT tỉnh Bình Định đề nghị UBND TP.Quy Nhơn chỉ đạo UBND P.Ghềnh Ráng yêu cầu hộ ông Lê Minh Tài dọn dẹp, xử lý vệ sinh toàn bộ khu vực đã khai thác và thực hiện các biện pháp chăm sóc, tái sinh để tái tạo rừng, bảo đảm phục hồi lại cảnh quan môi trường cho danh thắng Ghềnh Ráng

Có hay không trách nhiệm của ngành văn hóa?

Văn bản của Sở VH-TT tỉnh Bình Định chỉ nhắc đến việc UBND P.Ghềnh Ráng đồng ý cho phép ông Tài khai thác bạch đàn khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước nhưng không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là của Sở VH-TT tỉnh Bình Định, Bảo tàng tỉnh Bình Định) trong việc quản lý, kiểm tra, bảo vệ di tích danh thắng Ghềnh Ráng.

Cụ thể, ông Tài tiến hành khai thác bạch đàn tại đồi Ghềnh Ráng từ ngày 4.9 đến ngày 15.9 nhưng sau khi có phản ánh của cơ quan báo chí, Sở VH-TT tỉnh Bình Định mới chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Thanh tra Sở VH-TT, Phòng Văn hóa thông tin TP.Quy Nhơn, UBND P.Ghềnh Ráng đi kiểm tra thực tế tại khu danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng.

Đến ngày 20.9, Bảo tàng tỉnh Bình Định mới có văn bản về việc phối hợp quản lý, phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng và ngày 22.9, UBND P.Ghềnh Ráng đã có thông báo về việc yêu cầu hộ ông Tài tạm dừng khai thác cây bạch đàn trong khu vực di tích.

Dấu vết khai thác bạch đàn tại đồi Ghềnh Ráng

bảo thoa

Đặc biệt, thắng cảnh Ghềnh Ráng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 11.1991, có quy định về các khu vực bảo vệ 1 và 2 nhưng ngành văn hóa tỉnh Bình Định không tiến hành cắm mốc ranh giới, phạm vi bảo vệ khu di tích này.

Từ năm 1993 (thời điểm ông Lê Minh Tài được nhà nước giao đất trồng rừng theo dự án PAM – 4304) đến nay đã qua 29 năm nhưng ngành văn hóa tỉnh Bình Định cũng không tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh này xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất rừng của hộ ông Lê Minh Tài tại đồi Ghềnh Ráng nhằm đưa vào phạm vi bảo vệ vòng 2 của di tích?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, cho biết hồ sơ di tích Ghềnh Ráng hiện có diện tích 2 vòng bảo vệ rất rộng, bao gồm toàn bộ núi Xuân Vân rộng 50 ha. Sắp đến, Sở VH-TT tỉnh Bình Định tham mưu UBND tỉnh này trình Bộ VH-TT-DL xem xét cho chủ trương rà soát, điều chỉnh khu vực bảo vệ và tiến hành cắm mốc giới thắng cảnh Ghềnh Ráng để thuận lợi trong công tác quản lý và phát huy giá trị, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với di tích danh thắng.

Đồng thời, Sở VH-TT tỉnh Bình Định cũng sẽ chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của danh thắng Ghềnh Ráng.

Như Thanh Niên đã thông tin, năm 1993, UBND TP.Quy Nhơn giao 7 ha đất tại đồi Ghềnh Ráng cho hộ ông Lê Minh Tài (ở P.Ghềnh Ráng) để trồng rừng theo dự án PAM-4304, thời hạn sử dụng 30 năm (kể từ năm 1993).

Năm 2004, Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Công ty CP Sài Gòn - Quy Nhơn thuê đất để thực hiện đầu tư xây dựng khu du lịch đồi Ghềnh Ráng. Năm 2006, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định giải phóng mặt bằng khu vực đất đã để Công ty CP Sài Gòn - Quy Nhơn triển khai dự án nhưng ông Tài chưa nhận đền bù và vẫn tiếp tục trồng rừng sản xuất cho đến nay.

Khu vực ông Tài khai thác bạch đàn ở thắng cảnh Ghềnh Ráng

bảo THoa

Ngày 26.8, ông Tài có đơn xin khai thác cây bạch đàn tại khu rừng trồng của mình trên núi Xuân Vân trong tháng 9 và được Chủ tịch UBND P.Ghềnh Ráng xác nhận đồng ý. Từ ngày 4 - 15.9, ông Tài đã thực hiện khai thác rừng trồng tại đồi Xuân Vân.

Nhiều người cho rằng khu vực ông Tài khai thác bạch đàn thuộc khu vực bảo vệ di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, việc khai thác không đảm bảo phòng cháy chữa cháy rừng, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của danh thắng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.