Binh sĩ Ukraine ca ngợi xe bọc thép kháng mìn Mỹ ‘gần như không thể phá hủy’

Binh sĩ Ukraine ca ngợi xe bọc thép kháng mìn Mỹ ‘gần như không thể phá hủy’

08/07/2023 08:07 GMT+7

Theo báo The Times của Anh, xe chiến đấu bọc thép kháng mìn MaxxPro do Mỹ sản xuất đang chứng tỏ vai trò quan trọng đối với lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột.

Một số binh sĩ thuộc Lữ đoàn Jaeger số 68 của Ukraine đã giữ được mạng sống nhờ ở trên xe MaxxPro khi tấn công làng Blahodatne ở miền đông.

Báo The Times dẫn lời Stepan, một binh sĩ Ukraine, nói quân Nga bắn vào MaxxPro bằng nhiều loại vũ khí “nhưng các xe gần như không thể bị phá hủy”.

“Một trong những chiếc xe bị trúng đạn pháo và một chiếc khác trúng súng cối, nhưng mọi người bên trong đều sống sót. Chiếc MaxxPro thực sự đã cứu mạng chúng tôi”, binh sĩ Stepan nói.

Theo Navistar Defense, nhà sản xuất phương tiện này, MaxxPro ban đầu được chế tạo để giúp bảo vệ binh lính ở Iraq khỏi các thiết bị nổ tự tạo (IED). Nó có khung gầm “hình chữ V” giúp làm chệch sức nổ ra hai bên, và được thiết kế “để chống lại hỏa lực vũ khí đạn đạo, nổ mìn, IED và các mối đe dọa mới nổi khác”.

Ukraine: Xe chiến đấu bọc thép kháng mìn MaxxPro của Mỹ ‘gần như không thể phá hủy’ - Ảnh 1.

Xe chiến đấu bọc thép kháng mìn MaxxPro bị phá hủy một phần sau khi trúng mìn chống tăng, trên chiến trường Ukraine

TWITTER

Xe có sức chứa 12 người, với tháp pháo có thể chứa súng máy 7,62 hoặc 12,7 mm.

Năm 2022, Mỹ tuyên bố gửi 200 xe tới Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự.

Ngoài MaxxPro, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng ca ngợi xe bọc thép M2 Bradley do Mỹ cung cấp. Thứ trưởng Hanna Maliar đăng ảnh một xe Bradley chịu nhiều vết đạn, với chú thích rằng xe đã bị một quả hỏa tiễn Grad bắn trúng nhưng kíp lái và binh sĩ vẫn sống sót.

Tuy nhiên, dù có những xe bọc thép hiện đại từ phương Tây, các lực lượng Ukraine tham gia phản công vẫn chịu nhiều tổn thất do hệ thống phòng thủ phức tạp của Nga gây ra, như dây thép gai, chướng ngại vật chống tăng và các bãi mìn chết người.

Cả hai bên đều khai thác sức mạnh của các bãi mìn trong cuộc xung đột. Các lực lượng Ukraine đã sử dụng Hệ thống Mìn Chống Thiết giáp Từ xa, một loại đạn pháo do Mỹ sản xuất có thể rải mìn chống tăng. Cũng đã có báo cáo về thương vong của quân Nga khi phải “rút lui qua các bãi mìn của chính họ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.