Bình Thuận: Các dự án bất động sản ngưng trệ khiến thu nội địa đạt thấp

Quế Hà
Quế Hà
11/07/2023 14:27 GMT+7

Sáng nay (11.7), HĐND tỉnh Bình Thuận khai mạc kỳ họp thứ 15, nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, kỳ họp này các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tập trung bàn sâu các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm. Đồng thời thảo luận và biểu quyết 23 nghị quyết quan trọng về chính sách phát triển kinh tế xã hội; thực hiện quyền giám sát, chất vấn các cơ quan của UBND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế xã hội tại địa phương.

Bình Thuận: Các dự án bất động sản ngưng trệ khiến thu nội địa đạt thấp - Ảnh 1.

HĐND tỉnh Bình Thuận khai mạc kỳ họp định kỳ đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm

QUẾ HÀ

Ngành du lịch phục hồi nhanh nhờ đường cao tốc

Theo báo cáo do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng trình bày tại kỳ họp, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,76% (xếp thứ 11/ 63 tỉnh thành). Cơ cấu nền kinh tế nông lâm thủy sản chiếm 26,84%, còn lại là cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đặc biệt, việc đưa vào khai thác 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã góp phần làm cho ngành du lịch Bình Thuận tăng tốc, bứt phá. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 4,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng 86,3% so cùng kỳ); doanh thu đạt hơn 11.400 tỉ đồng (tăng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2022).

Không chỉ có hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, ngành bán lẻ hàng hóa, doanh thu từ dịch vụ ước đạt 44.600 tỉ đồng, tăng 32,2 % so cùng kỳ năm trước.

Bình Thuận: Các dự án bất động sản ngưng trệ khiến thu nội địa đạt thấp - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phát biểu khai mạc kỳ họp

QUẾ HÀ

Nhiều khó khăn của nền kinh tế chưa được tháo gỡ

Đáng chú ý, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận trình bày tại kỳ họp, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 5.231 tỉ đồng (đạt 52,3% kế hoạch giao). Trong đó, thu nội địa chỉ đạt 4.671 tỉ đồng (giảm 19,38% so cùng kỳ). Nguyên nhân do hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản trầm lắng, ngưng trệ kéo dài. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa giảm tới 16,9%.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư để thu hồi đất phục vụ cho các công trình quan trọng chậm được tháo gỡ. Phải kể đến các dự án quan trọng chậm tiến độ như dự án sân bay Phan Thiết, đường giao thông 719B, Hàm Kiệm - Tiến Thành…

Bình Thuận: Các dự án bất động sản ngưng trệ khiến thu nội địa đạt thấp - Ảnh 3.

Nhờ có 2 tuyến cao tốc vận hành, du lịch Bình Thuận tăng trưởng mạnh

QUẾ HÀ

Đặc biệt, các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS năm 2022 của Bình Thuận chưa được cải thiện, vẫn thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Việc cải cách thủ tục hành chính, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp còn chưa cao. Tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có chiều hướng gia tăng. Kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được cải thiện rõ nét.

"Việc xác định giá đất đối với các dự án đầu tư còn rất chậm. Nhiều dự án tuy đủ điều kiện để thực hiện việc tính giá đất, nhưng hiện vẫn chưa xác định được giá đất cụ thể, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và nguồn thu ngân sách tỉnh. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm phê duyệt. Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, đất dự án mang tính côn đồ, xã hội đen và tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại một số địa bàn giáp ranh với tỉnh diễn biến phức tạp", Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng báo cáo tại kỳ họp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.