Chiều nay 13.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng, các sở ngành và đơn vị liên quan sẽ nghe báo cáo tiến độ, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai dự án sân bay Phan Thiết (BOT).
Vướng chính sách đất đai
Theo Sở GTVT Bình Thuận, đơn vị này được UBND tỉnh giao (tại Thông báo số 136 ngày 17.5) rà soát quy trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các đơn vị quân đội làm đài dẫn đường bay, các trận địa phòng không và công trình giao thông kết nối. Tiến độ mà Chủ tịch UBND tỉnh giao cho TP.Phan Thiết và H.Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc kiểm tra các hạng mục có trong danh mục công trình, dự án được HĐND tỉnh phê duyệt; nhưng cho đến nay các địa phương này báo cáo vẫn chậm...
Theo Sở GTVT Bình Thuận, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng ở các đài quân sự là do kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của TP.Phan Thiết, H.Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình chưa được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ của các địa phương này vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, hạng mục đài dẫn đường bay, trận địa phòng không và đường giao thông kết nối thuộc dự án sân bay Phan Thiết (khu vực quân sự) chưa đăng ký chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng, đất lâm nghiệp vào trong kỳ quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2025 nên chưa đủ cơ sở thực hiện thủ tục.
Trong các khó khăn của dự án có việc 1 cơ sở phật giáo là Thiền viện Từ Lâm (xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc) nằm trong tầm vướng độ cao, là chướng ngại vật của máy bay cất và hạ cánh. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đang giao cho Sở Xây dựng rà soát các hạng mục của Thiền viện Từ Lâm ảnh hưởng tới tĩnh không của máy bay (theo Nghị định 32/2016 của Chính phủ) để có thể cho ý kiến di dời hay phải hạ độ cao các công trình của thiền viện này.
Vẫn chưa chọn được nhà đầu tư xây dựng BOT dân dụng
Cũng tại Thông báo số 136, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận còn yêu cầu Sở GTVT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Cảng không Phan Thiết giai đoạn đến 2020 định hướng đến năm 2030, trong tháng 5.2023.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, hoàn chỉnh hồ sơ chủ trương đầu tư dự án (điều chỉnh từ cấp 4C lên cấp 4E) để trình Hội đồng thẩm định liên ngành, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở GTVT, Sở Tài chính và Sở KH-ĐT khẩn trương tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập, để kiểm toán các chi phí mà nhà đầu tư BOT (Công ty Rạng Đông) đã thực hiện ở các hạng mục dân dụng. Ngày 31.5, Sở GTVT đã dự toán chi phí cho việc kiểm toán độc lập các chi phí của nhà đầu tư BOT và đang lấy ý kiến các sở ngành.
Sở GTVT cũng đã có dự thảo trình UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết (hạng mục dân dụng- BOT).
Tiếp đó, ngày 6.6.2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Công ty CP Rạng Đông đề nghị thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Và cho đến nay, Bình Thuận vẫn chưa chọn được nhà đầu tư xây dựng các hạng mục dân dụng (BOT) của Cảng hàng không Phan Thiết để thay thế nhà đầu tư Rạng Đông.
Chưa thể ấn định thời điểm hoàn thành
Dự án Cảng hàng không Phan Thiết (tên gọi cũ là Sân bay Phan Thiết) có vị trí tại xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết), giáp ranh với H.Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Đây là dự án được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế của Bình Thuận "bay lên".
Ban đầu thiết kế của dự án là sân bay cấp 4C, nay đã được Bộ GTVT phê duyệt lên cấp 4E, có đường băng dài từ 2.800 m lên 3.050 m. Hiện các hạng mục quân sự trong sân bay đang được các đơn vị của quân đội thi công.
Riêng các hạng mục dân sự (BOT) đã được nhà đầu tư Rạng Đông làm đường đấu nối và một số hạng mục khác. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ thì nhà thầu này phải thay thế vì không hội đủ các tiêu chí của 1 nhà đầu tư, xây dựng BOT sân bay.
Do vậy, dù đã được khởi công từ cách đây hơn 8 năm (ngày 18.1.2015) nhưng hiện nay dự án này vẫn bị "tắc", chưa thể ấn định thời điểm hoàn thành.
Bình luận (0)