Sáng nay 18.4, UBND tỉnh Bình Thuận có phiên họp với Sở TN-MT, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và UBND TP.Phan Thiết để tìm cách tháo gỡ về quyền lợi của người dân đã được cấp sổ đỏ sau vụ án sai phạm về đất đai này.
Vụ án sai phạm về đất đai, xảy ra tại UBND TP.Phan Thiết đã khép lại. Các cá nhân nguyên là lãnh đạo UBND TP.Phan Thiết và cơ quan liên quan đã bị tòa tuyên án với nhiều mức độ khác nhau. Thế nhưng, những người dân đã có chứng nhận quyền sử dụng đất trong 132 thửa đất sai phạm vẫn đang bị “đóng băng”.
Ngăn chặn quyền giao dịch hợp pháp của dân
Bà Nguyễn Thị M. (TP.Phan Thiết, Bình Thuận), có mua lô đất nằm trong 132 thửa đất của vụ án cho biết: “Khi mua lô đất thuộc xã Phong Nẫm, tôi không hề biết nó nằm trong 132 thửa đất sai phạm của vụ án. Nay gặp khó khăn, tôi muốn chuyển nhượng lô đất thì Văn phòng đăng ký đất đai và chính quyền không cho phép dù tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, không có tranh chấp. Suốt 2 năm nay, tôi chịu lãi ngân hàng mà không chuyển nhượng được đất để trả nợ vay. Nếu chính quyền nhất định không cho giao dịch, tôi sẽ thuê luật sư khởi kiện để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, bà M. cho biết.
Một thửa đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật tại TP.Phan Thiết |
QUẾ HÀ |
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận cho biết: “Việc Cơ quan CSĐT có văn bản ngăn chặn giao dịch liên quan đến 132 thửa đất để phục vụ điều tra là cần thiết. Tuy nhiên, khi vụ án đã kết thúc và tòa đã tuyên án, thì cơ quan có trách nhiệm phải bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, không thể ngăn chặn giao dịch dân sự”.
Cơ quan chức năng lúng túng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại bản án hình sự (số 17 ngày 21.8.2020) của TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên, có kiến nghị: “UBND TP.Phan Thiết xem xét, xử lý các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật”.
Sau khi án có hiệu lực pháp luật, nhằm đảo bảo quyền lợi của người dân, tránh khiếu kiện sau này, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Sở TN-MT chủ trì, lấy ý kiến các sở, ngành trước khi tham mưu UBND tỉnh quyết định. Sau đó, Sở TN-MT Bình Thuận đã lấy ý kiến từ đầu năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất.
Xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết, nơi có nhiều khu đất tự phân lô bán nền |
Quế Hà |
Sở Tư pháp Bình Thuận cho rằng đối với 26/132 thửa đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai pháp luật, nhưng chưa chuyển nhượng thì thu hồi. Còn 106/132 thửa đất trong vụ án đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân (mua lại) thì không thu hồi (tức được công nhận).
Cùng nội dung này, Công an Bình Thuận có quan điểm thu hồi 26 thửa đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chưa chuyển nhượng.
“Đối với quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng và cập nhật biến động sang tên người khác thì không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất đã cấp”, Công văn của Công an tỉnh Bình Thuận nêu.
Tuy nhiên, UBND TP.Phan Thiết đưa ra tình huống là trường hợp người dân đã xây dựng nhà trên các lô đất (chưa chuyển nhượng) thì có vi phạm hành chính hay không. Vì nếu các lô đất này (nằm trong 26 thửa đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật, nhưng chưa chuyển nhượng) nếu bị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ trở về tình trạng ban đầu là đất nông nghiệp.
Khu dân cư tự phát, tự phân lô trái pháp luật ở xã Phong Nẫm, TP.Phan Thiết |
QUẾ HÀ |
“Trường hợp xác định không vi phạm thì có tiếp tục được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng hay không? Nếu không phù hợp quy hoạch thì sẽ không được chuyển mục đích sử dụng đất thì công trình này (khu dân cư tự phát) phải xử lý như thế nào”, công văn UBND TP.Phan Thiết đặt vấn đề.
Về việc này, Sở Xây dựng cho rằng, để biết có cho tồn tại các công trình khu dân cư tự phát hay không, đề nghị UBND TP.Phan Thiết phải có đánh giá, rà soát từng thửa đất xem có phù hợp với các quy định về luật Nhà ở 2014, luật Kinh doanh bất động sản 2014 hay không, mới có thể quyết định việc cho tồn tại các khu dân cư tự phát.
Do vậy, Sở TN-MT Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND TP.Phan Thiết thực hiện kiến nghị của Sở Xây dựng, sau đó hoàn thiện báo cáo UBND tỉnh và xin ý kiến Tỉnh ủy Bình Thuận. Chính vì thế vụ việc đến nay vẫn chưa có lối ra...
Vụ án sai phạm về quản lý đất đai xảy ra tại UBND TP.Phan Thiết, xảy ra từ 2017 đến năm 2019 thì bị khởi tố để điều tra. Cơ quan CSĐT xác định, các bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP.Phan Thiết đã cho chuyển đổi mục đích sử dụng 132 thửa đất ở các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi của TP.Phan Thiết trái với quy định pháp luật. Ngày 31.10.2019, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận có văn bản yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất 132 thửa đất trên. Từ tháng 11.2019 đến nay, thông tin đề nghị tạm dừng giao dịch đối với 132 thửa đất nêu trên (bao gồm thông tin của thửa đất đã chuyển nhượng và cập nhật biến động sang tên người khác) vẫn còn cập nhật thông tin tạm dừng giao dịch trên hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực của tỉnh. Sở Tư pháp cho biết, vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị giải tỏa của cơ quan đề nghị ngăn chặn trước đây là Cơ quan CSĐT. Điều này dẫn đến việc người dân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp (theo quy định tại điều 106 luật Đất đai, điều 133 Bộ luật Dân sự) vẫn không được phép thực hiện các giao dịch dân sự chuyển nhượng tài sản, xây dựng. Hiện nay, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Phan Thiết cũng không tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động giao dịch đất đai tại các khu vực này, gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sử dụng đất hợp pháp.
Bình luận (0)