Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Sở GT-VT Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh có 2.675 hồ sơ, trong đó nhiều nhất là H.Bắc Bình với 768 hồ sơ và ít nhất là Hàm Tân chỉ 262 hồ sơ. Trong đó, xét tính pháp lý cấp huyện đã đạt 2.635 hồ sơ (đạt 98,5%) chỉ còn khoảng hơn 1% số hồ sơ do còn đang vướng đất tranh chấp, chưa xác định được chủ sở hữu hoặc đất đang trong giai đoạn tòa thụ lý giải quyết chưa xong.
Cũng theo ông Trung, toàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án đường cao tốc dài 160,3 km, đi qua 29 xã (5 huyện) đã được cắm mốc hoàn chỉnh.
Cụ thể, dự án cao tốc thứ nhất là Cam Lâm- Vĩnh Hảo thì Bình Thuận chỉ có 12 km/78,5km, tại địa phận xã Vĩnh Hảo (H. Tuy Phong). Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết (dài 100,8 km) và Phan Thiết- Dầu Giây (47,5/99 km). “UBND tỉnh Bình Thuận đã giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành và các huyện, cho đến cuối tháng 11 phải cơ bản xong việc nhận mặt bằng để bàn giao cho các đơn vị thi công đường cao tốc vào cuối năm nay”, ông Trung cho hay.
Không để tái lấn chiếm mặt bằng
Mới đây, sau khi đi kiểm tra thực địa tại H.Hàm Thuận Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo UBND các huyện phải xác định việc tiếp nhận mặt bằng để bàn giao cho các dự án cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm đối với 5 huyện có tuyến cao tốc đi qua.
Ông Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu phải quản lý chặt chẽ mặt bằng hiện trạng tuyến, không để xảy ra tình trạng tái chiếm làm nhà, trồng cây trên đất đã bàn giao. Những trường hợp chưa được duyệt tính pháp lý về thủ tục đền bù phải làm xong trước tháng 11, không để người dân thiệt thòi.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đã phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư là 1.569 hồ sơ (đạt 58,7%) và đã giải ngân được 701,7 tỉ đồng/1.144 tỉ đồng vốn đền bù đã được bố trí.
Hiện nay, toàn tuyến có khoảng 300 hộ dân cần nơi ở mới ở các khu tái định cư. UBND tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai sớm các khu tái định cư như Tuy Tịnh (H.Tuy Phong) đã hoàn thành. Khu tái định cư Bắc Bình, Ma Lâm cơ bản sắp xong. Chỉ còn khu tái định cư Mương Mán bắt đầu thi công.
Ông Nguyễn Ngọc Hai chỉ đạo các huyện phải làm tốt công tác xét các hộ tái định cư, xem xét từng trường hợp cụ thể để tránh khiếu nại của người dân sau này. Ngoài ra, các ngành phải chủ động phối hợp với địa phương có phương án di dời các công trình của nhà nước như điện lưới, viễn thông, đường ống nước.
Sở GT-VT Bình Thuận cho biết, hiện UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ GT-VT (Ban Quản lý Dự án 7 và BQL Dự án Thăng Long) chấp thuận phương án đền bù, tái định cư cho người dân ở 2 tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Khẩn trương bố trí vốn bổ sung và giải quyết các kiến nghị của tỉnh về mở rộng cầu vượt nút giao liên thông Phan Thiết.
Cả 3 dự án cao tốc đi qua Bình Thuận dài 160,3 km, đi qua 29 xã của 5 huyện là Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Tuyến cao tốc có 6 làn xe, rộng 32,5m, được thiết kế với vận tốc từ 100 - 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư toàn tuyến đi qua Bình Thuận gần 40.000 tỉ đồng, riêng kinh phí cho đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 2.200 tỉ đồng.
Toàn tuyến có 7 nút giao liên thông, có 40 cầu vượt, 54 hầm chui giao cắt với QL 28, 28B và các đường nội tỉnh.
Khi tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận hoàn thành sẽ giải quyết tốt về giao thông đối ngoại, cùng với cảng hàng không Phan Thiết, sẽ thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
|
Bình luận (0)