Bình Thuận: Nới lỏng giãn cách TX.La Gi và TP.Phan Thiết từ ngày 16.9

Quế Hà
Quế Hà
15/09/2021 22:25 GMT+7

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết hai điểm nóng nhất về dịch Covid-19 là TX.La Gi và TP.Phan Thiết đã sẵn sàng để phục hồi sản xuất, kinh doanh từ ngày 16.9.

Chiều 15.9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong, cho biết tình trạng dịch bệnh tại TX.La Gi đến thời điểm hiện tại cơ bản đã được kiểm soát.
Trong nửa tháng qua, TX.La Gi có 160 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 27 ca ngoài cộng đồng. Đây là dấu hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch, thể hiện sự quyết tâm không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý để TX.La Gi áp dụng chỉ thị 15 kể từ 0 giờ ngày mai 16.9.
Trên cơ sở tiếp tục sàng lọc cộng đồng, duy trì các biện pháp kiểm soát, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu TX.La Gi phải bảo vệ thành quả, không để dịch tái bùng phát trở lại. Đối với các phường có nguy cơ cao, ông Phong yêu cầu vẫn phải áp dụng Chỉ thị 16; tiếp tục duy trì các chốt kiểm dịch, đồng thời có đánh giá tình hình từng xã, phường chính xác để đưa ra giải pháp phù hợp cho từng địa bàn trong tình trạng bình thường mới.

Kể từ 0 giờ ngày 16.9, TX.La Gi chuyển sang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 sau 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16

H.LINH

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND TX.La Gi có kế hoạch kiểm soát chặt người ra vào vùng xanh, cho tàu thuyền ra khơi và phục hồi các hoạt động ở cảng cá trên cơ sở bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 rồi test nhanh âm tính, vậy đã an toàn hay chưa | BÁC SĨ ƠI số 16

Phục hồi sản xuất kinh doanh ra sao?
Bí thư Thị ủy TX.La Gi Phạm Văn Nam cho rằng sau 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 đã tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thị xã. Để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi sản xuất, TX.La Gi chủ trương nới lỏng giãn cách, chuyển trạng thái để phục hồi các hoạt động kinh doanh trên cơ sở thận trọng, làm từng bước, không nóng vội.

Ngày 14.9, TX.La Gi không có ca nhiễm mới và ngày 15.9 chỉ có 5 ca nhiễm mới trong khu cách ly

H.LINH

Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND TX.La Gi Phạm Trọng Nhân, cho biết địa phương đã có kế hoạch cho tàu thuyền (15 m trở lên), có gắn thiết bị giám sát hành trình được ra khơi, được về cảng cá La Gi bốc dỡ hàng hóa nhưng phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đi biển và cập bờ. Các chợ truyền thống vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Thay vào đó, cho phép siêu thị, cửa hàng bách hóa, tiện ích được bán hàng trực tiếp, nhưng phải bảo đảm yếu tố phòng, chống dịch Covid-19. Riêng đối với công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy được phép đến công xưởng, nhưng doanh nghiệp (DN) phải có phương án cụ thể được phê duyệt và tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất cũng như phòng, chống dịch Covid-19 đơn vị mình.

Dù giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng TP.Phan Thiết vẫn kiểm soát chặt người từ bên ngoài vào thành phố

H.LINH

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân, cho biết chủ trương của TP.Phan Thiết là “siết ngoài, mở trong”.
Ông Tân cho biết tỷ lệ tiêm vắc xin của TP.Phan Thiết còn quá thấp nên vẫn phải kiểm soát chặt từ bên ngoài. Người từ các huyện, thị khi vào TP.Phan Thiết phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực 7 ngày. TP.Phan Thiết chủ trương cho phục hồi các hoạt động đánh bắt và buôn bán thủy sản nhưng phải xét nghiệm trước khi ra biển. Việc buôn bán, kinh doanh của bà con trong thành phố chỉ được phép hoạt động kinh doanh ăn uống bán mang về, chứ không được tụ tập.

Có nên xét nghiệm kháng thể Covid-19 không, xét nghiệm ở đâu? | BÁC SĨ ƠI số 16

Phục hồi sản xuất ở các khu công nghiệp

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận, khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ở TP.Phan Thiết và TX.La Gi, có đến 24 DN với hơn 4.500 công nhân trong KCN Phan Thiết và toàn bộ số công nhân ở TX.La Gi phải nghỉ việc, thiệt hại về kinh tế cho các DN trong các KCN là rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các DN trong KCN 

QUẾ HÀ

Theo Ban quản lý các KCN, số DN có thể đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” rất ít, nếu có cũng chỉ giải quyết được khoảng 40% lao động. Trong khi đó, chi phí vận hành nhà máy, phân xưởng không giảm, thậm chí tăng cao hơn. Nhiều phát sinh như chi phí xét nghiệm, mua thiết bị phòng chống dịch, chi phí ăn ở cho công nhân tăng vọt. Tuy nhiên, kể từ ngày 14.9, khi TP.Phan Thiết đã chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, toàn bộ các DN trong các KCN ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam đều chuyển sang trạng thái bình thường mới, tập trung phục hồi dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều DN trong các KCN chưa thể tái khởi động lại sản xuất do bị “đứt gãy” nguồn nhân công, cung ứng nguyên liệu.
Hiện UBND tỉnh Bình Thuận cũng đang giao Sở KH-ĐT và các đơn vị liên quan đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch tái phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ cho các DN.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, chiều 15.9, toàn tỉnh hiện ghi nhận lũy kế 2.910 ca Covid-19; trong đó TX.La Gi có tới 1.871 ca, TP.Phan Thiết 612 ca, 2.145 bệnh nhân Covid-19 đã chữa khỏi bệnh và ra viện, 41 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Riêng ngày 15.9, số ca nhiễm mới toàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn 19 ca, chủ yếu trong khu cách ly và phong tỏa. Về tiêm vắc xin, toàn tỉnh đã có 72.854 người đã tiêm mũi 1 (đạt 8,3%) và  51.418 đã hoàn thành tiêm mũi 2 (đạt 5,8%) trên tổng số dân từ 18 tuổi trở lên là 875.710 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.