Những miếng gốm thủy tinh vẫn giữ được những mảng màu uyển chuyển, gợi cảm trên bức tranh ghép ngay cạnh. Bức mosaic (tranh ghép) này, theo nhà nghiên cứu Đào Mai Trang, còn đặc biệt ở chỗ không thuần túy là một bức tranh miêu tả hay cổ vũ, tuyên truyền mà còn được làm theo xu hướng bán trừu tượng. Nhưng hai bức tranh tường này đang đứng trước nguy cơ bị đập bỏ khi thực hiện dự án mở rộng đường tại Minh Khai. Về việc này, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội ông Tô Văn Động nói rằng “chưa có thông tin gì”.
Điều này làm tôi nhớ tới một công trình kiến trúc nằm sát vách hồ Gươm - Cung thiếu nhi Hà Nội. Cũng giống như hai bức tranh tường ở Bạch Mai, Cung thiếu nhi Hà Nội (được thiết kế năm 1974, xây xong năm 1976), năm 2015, công trình đã bị “bóc” đi để sửa lại và khác hẳn trước. Các cột đá granite hồng ở tầng hai đã bị bóc hết phần đá, chỉ còn trơ cốt bê tông rồi lại bọc bằng một loại đá khác. KTS Lê Văn Lân, cha đẻ của công trình, khi đó đau đớn nói: “Sẽ không còn thấy công trình 1974 đâu nữa”.
Trong khi đó, Cung thiếu nhi Hà Nội được đánh giá là có hình khối hiện đại, bố cục chặt chẽ, thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn ngữ kiến trúc thuộc địa Pháp cổ hay những xu hướng kiến trúc trước đó. Kết cấu và vật liệu cũng mang dấu ấn thời đại nó được xây dựng. Công trình tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, kể cả vật liệu đá đã hỏng trong chiến tranh, gạch, ngói thừa của các công trình xây dựng khác.
Có nhiều điểm chung giữa hai công trình này. Trước hết, đó là việc nhà quản lý đã không ghi nhận chúng như một di sản lịch sử văn hóa; chưa được kiểm kê như một di sản; các công trình này thường không được bảo vệ theo luật Di sản. Thứ hai, chúng đều đang “mắc” vào định kiến, phải rất lâu năm, rất cổ mới có thể thành di sản. Có lẽ, đã đến lúc, cần kiểm đếm các công trình kiến trúc, mỹ thuật tương tự thế này.
Bình luận (0)