Bộ Chính trị yêu cầu xử lý dứt điểm vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/04/2022 15:07 GMT+7

Kết luận 12 của Bộ Chính trị vừa ban hành yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.

Vẫn còn những vụ án tham nhũng nghiêm trọng

Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kết luận mới của Bộ Chính trị yêu cầu hàng loạt nhiệm vụ đối với công tác phòng, chống tham nhũng

gia hân

Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá trong 5 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến rõ nét, đột phá; "tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn".

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí.

"Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận", kết luận nêu.

Xây dựng văn hóa "không tham nhũng"

Từ đó, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Thứ 2, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt...

Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán,…

Từ đó, sửa đổi, bổ sung luật Đất đai, luật Phòng, chống tham nhũng; luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; luật Thanh tra; luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn; luật Tiếp công dân, và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Xử lý nghiêm nhũng nhiễu, vòi vĩnh

Thứ 3, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ 4, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công,...

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém tại các dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.