Bộ Công an báo cáo Quốc hội hàng loạt đại án đặc biệt nghiêm trọng

Trần Cường
Trần Cường
14/10/2022 11:10 GMT+7

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, báo cáo về hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Tội phạm tham nhũng tăng mạnh

Theo báo cáo, trong 12 tháng (từ 1.10.2021 đến 30.9.2022), Bộ Công an và công an các địa phương đã tập trung điều tra, đặc biệt những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

Trong thời gian trên, toàn quốc phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 36%), trong đó đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can; phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 40%), trong đó đã khởi tố 501 vụ án với 1.211 bị can.

Trong đó, nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, điển hình là vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, hay vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings, vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA.

Các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, như vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Trong hoạt động mua sắm công, đấu thầu, đấu giá, chỉ định thầu, thao túng thầu, nâng giá thiết bị… nổi lên nhiều vụ án lớn, như vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và nhiều tỉnh, thành; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; vụ án chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỉ đồng ở Bắc Giang; vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng GD-ĐT H.Lương Sơn (Hòa Bình); hay vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỉ đồng mà Công an TP.Hà Nội vừa khởi tố…

Cơ quan điều tra giải quyết vụ hoàn tiền 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh

Tội phạm trục lợi từ dịch bệnh

Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, nước ta nổi lên loại tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là liên quan đến hoạt động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch. Đối với loại tội phạm này, Công an TP.Hải Phòng bắt giữ 7.200 hộp thuốc điều trị Covid-19; Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ hơn 15.800 bộ test nhanh Covid-19; Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện 6 vụ, thu giữ 800 hộp thuốc chống Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Với tình trạng trục lợi trong tổ chức tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu tiền người có nhu cầu tiêm vắc xin; Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố nhân viên y tế Trung tâm Y tế TX.Nghi Sơn thu tiền người đi cách ly và người có nhu cầu xét nghiệm.

Việc đưa người Việt Nam về nước để chống dịch cũng bị lợi dụng để trục lợi. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố hơn 20 bị can, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trợ lý Phó thủ tướng thường trực và các lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Vụ Hợp tác quốc tế (Văn phòng Chính phủ)...

Ngoài ra, Bộ Công an và công an các địa phương cũng phát hiện, xử lý nhiều tội phạm vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.