Bộ Công an: Ngăn chặn nhiều trường hợp lợi dụng 'ngoại giao vắc xin' để lừa đảo

Mai Hà
Mai Hà
30/11/2022 20:18 GMT+7

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết đã tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vắc xin của Việt Nam để lừa đảo, nhiều trường hợp để khuếch trương thanh thế.

Chiều nay 30.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin. Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng tham gia hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định bài học thành công từ ngoại giao vắc xin cần mở rộng sang ngoại giao kinh tế

nhật bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhắc lại cách đây hơn 1 năm, ngày 11.10, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Chuyển trạng thái từ "zero Covid", phòng chống dịch bằng các biện pháp hành chính sang phòng chống dịch bằng các biện pháp chuyên môn, nhất là vắc xin.

Thực tế đã chứng minh việc chuyển hướng này đúng đắn và kịp thời, kinh tế từ tăng trưởng âm hơn 6% trong quý 3/2021 đã đạt tăng trưởng dương ở quý tiếp theo và quý sau cao hơn quý trước, dịch bệnh được kiểm soát.

Thủ tướng cũng nhắc lại sự thành công Chiến lược vắc xin trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, tiếp cận vắc xin rất khó khăn. Bài học từ ngoại giao vắc xin cũng cần được rút ra cho ngoại giao kinh tế trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định ngoại giao vắc xin là quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Về nghiệp vụ, ngoài các biện pháp hỗ trợ góp phần trong chiến dịch ngoại giao vắc xin, Bộ Công an đã tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp lợi dụng thực hiện ngoại giao vắc xin của Việt Nam để lừa đảo, nhiều trường hợp để khuếch trương thanh thế.

Bộ Công an cũng đề nghị tiếp tục củng cố và phát triển sâu rộng, mạnh mẽ hơn với các cơ sở chính trị ủng hộ Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nền tảng lâu dài và bền vững trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ về đối ngoại kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh kênh ngoại giao, cần đẩy mạnh các kênh đối ngoại khác, trong đó có vai trò của đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh tình báo của các cơ quan thực thi pháp luật trong xử lý giải quyết những vấn đề lớn, nhạy cảm.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị

nhật bắc

Chiến dịch ngoại giao đặc biệt, tiết kiệm hơn 900 triệu USD

Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vắc xin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm 2021, sự bùng phát của biến chủng Delta khiến tình trạng khan hiếm vắc xin toàn cầu đã nghiêm trọng càng nghiêm trọng hơn. Việc tiếp cận vắc xin đối với các nước đang phát triển hết sức khó khăn, do nguồn cung khan hiếm. Chưa kể, với kết quả phòng, chống dịch trong năm 2020, Việt Nam chưa được ưu tiên viện trợ vắc xin...

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng sự đồng lòng ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, chiến dịch ngoại giao vắc xin đã được triển khai quyết liệt, thần tốc, thành công vượt kỳ vọng.

Nếu cuối tháng 4.2021, Việt Nam mới có 320.000 liều vắc xin viện trợ của COVAX, thì đến tháng 10.2021 đã tiếp nhận trên 97,5 triệu liều; đến hết năm 2021 đã tiếp nhận khoảng 192 triệu liều.

Đến tháng 9.2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vắc xin tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỉ đồng).

Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2.000 tỉ đồng).

Về thuốc điều trị, đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.

Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 5 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.

"Chiến dịch ngoại giao vắc xin đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp "xoay chuyển tình thế", đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vắc xin", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, ngoại giao vắc xin thực sự là một "chiến dịch" ngoại giao đặc biệt, chưa có tiền lệ, để lại nhiều bài học giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, công tác vận động chính trị - ngoại giao cấp cao có ý nghĩa quyết định. Các hoạt động điện đàm, trao đổi, gửi thư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ có ý nghĩa quyết định để các nước, tổ chức quốc tế, tập đoàn sản xuất vắc xin cam kết hỗ trợ. Đặc biệt, đối với những vấn đề khó, cần khai thông, nếu không đẩy mạnh vận động ở cấp cao sẽ rất khó giải quyết, thúc đẩy đạt kết quả.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư đã khẳng định vai trò cơ bản, trung tâm của công tác ngoại giao kinh tế. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh "chiến dịch" ngoại giao kinh tế với phương châm "quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.