Bộ Công thương bảo lưu quan điểm doanh nghiệp đầu mối quyết định giá bán xăng dầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/04/2024 13:47 GMT+7

Chỉ sau vài ngày công bố dự thảo 1 nghị định kinh doanh xăng dầu nhằm thay thế các nghị định trước đó, ngày 1.4, Bộ Công thương tiếp tục công bố dự thảo thứ 2 với nhiều thay đổi, giải thích liên quan điều hành giá.

Hai phương án tính chi phí, định mức lợi nhuận

Dự thảo 2 vẫn bảo lưu quan điểm để doanh nghiệp đầu mối công bố giá bán lẻ xăng dầu.

Theo Bộ Công thương hiện nay, cách thức điều hành giá xăng dầu do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong hướng dẫn rà soát các yếu tố cấu thành giá, các chi phí, thuế nhập khẩu... Tuy vậy, các thông báo, văn bản trao đổi, tham gia ý kiến qua lại giữa 2 bộ trước mỗi kỳ điều hành giá (7 ngày/lần) quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ mà phải chờ giá cơ sở... dẫn tới giá chưa sát thực tế, chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết 18 ngày 25.10.2007 của Bộ Chính trị khóa 10, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Vì thế, dự thảo mới quy định nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố cấu thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.

Bộ Công thương bảo lưu quan điểm doanh nghiệp đầu mối quyết định giá bán xăng dầu- Ảnh 1.

Hiện 2 doanh nghiệp đầu mối lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Dầu Việt Nam thực hiện gần 60% tổng nguồn xăng dầu trên cả nước

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần (dự thảo 1 là 15 ngày/lần). Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại nghị định để công bố giá bán lẻ xăng dầu ra thị trường. Giá này không được vượt quá giá được tính toán theo công thức đã quy định trong nghị định. 

Riêng với chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được đưa vào trong công thức tính giá bán xăng dầu tối đa, sẽ có 2 phương án tính. 

Phương án 1 là tính các chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức được quy định theo giá trị tuyệt đối. Hiện các khoản chi phí từ khâu tạo nguồn, phân phối trong nước, lợi nhuận định mức của thương nhân đầu mối (bao gồm hoa hồng đại lý, chiết khấu tới khâu bán lẻ) khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít, tùy loại.

Phương án 2 theo đề xuất tại dự thảo 1, các chi phí, lợi nhuận tính theo tỷ lệ phần trăm, khi giá xăng dầu thế giới càng tăng cao, tỷ lệ chi phí và lợi nhuận định mức sẽ giảm theo hướng tỷ lệ nghịch.

Doanh nghiệp đầu mối: Phải tạo nguồn ít nhất 100.000 m3/tấn xăng dầu mỗi năm

Dự thảo mới cũng bổ sung quy định về kết nối dữ liệu (số hóa) vì lâu nay, việc kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp chưa đầy đủ rõ ràng. Từ đó, Bộ kiến nghị đẩy mạnh việc kết nối dữ liệu về nguồn, tiêu thụ, tồn kho... giữa thương nhân đầu mối với cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện bắt buộc mà thương nhân phải thực hiện. 

Bộ Công thương bảo lưu quan điểm doanh nghiệp đầu mối quyết định giá bán xăng dầu- Ảnh 2.

Hai mô hình hệ thống phân phối hiện hành và hệ thống phân phối đề xuất trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu

CHỤP MÀN HÌNH

Bổ sung kinh nghiệm tham gia thị trường xăng dầu, yêu cầu doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có năng lực tài chính, có chuỗi kinh doanh riêng... để nhập khẩu xăng dầu về. Đầu mối phải có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp để có thể đàm phán mua xăng dầu với chi phí thấp nhất có thể; phải có hệ thống phân phối đủ lớn...

Dự thảo bổ sung quy định về năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của đầu mối. Theo tính toán, tiêu thụ nội địa trên cả nước khoảng 27 triệu m3, trong đó, nhiên liệu hàng không khoảng trên 1 triệu m3, còn lại gần 26 triệu m3/tấn xăng dầu mặt đất. Trong số này, 2 nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng khoảng 70% tổng nguồn, còn lại là nhập khẩu. Riêng 2 thương nhân đầu mối lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Dầu Việt Nam thực hiện khoảng 59,3%, tương đương 15,31 triệu m3/tấn xăng dầu. Còn lại 40,7% nguồn, tương đương 10,51 triệu m3/tấn, do 33 thương nhân đầu mối đảm nhiệm. Trong đó, Bộ Công thương cho biết, có một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thậm chí chỉ thực hiện được tổng nguồn dưới mặt đất dưới 100.000 m3/tấn mỗi năm, tương đương 0,38% tổng nguồn xăng dầu cả nước.

Trong khi với điều kiện hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay, thì thương nhân thực hiện nguồn tối thiểu khoảng 100.000 m3/tấn xăng dầu mỗi năm. Bộ Công thương nhấn mạnh: Việc để doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò đầu mối sẽ không hiệu quả do không cạnh tranh được chi phí kinh doanh trong khâu tạo nguồn, khó bảo đảm an ninh năng lượng. Nguồn xăng dầu được tính trên lượng nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc dầu trong nước chứ không tính lượng mua bán qua lại giữa các thương nhân đầu mối.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.