Giá xăng dầu, chỉ doanh nghiệp đầu mối được quyết

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/03/2024 07:08 GMT+7

Bộ Công thương vừa công bố bản dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các nghị định hiện nay. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất của dự thảo này là công thức và cơ chế giá xăng dầu. Tuy vậy, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng đề xuất "tự quyết giá" vẫn chưa được "cởi trói" như kỳ vọng.

Doanh nghiệp bán lẻ vẫn bị bỏ quên?

Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất nhà nước không điều hành giá xăng dầu, mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp (DN).

Dựa trên các dữ liệu đó, các DN đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa và giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối có trách nhiệm công bố giá bán lẻ trên trang thông tin điện tử của DN hoặc trên các phương tiện thông tin giá bán lẻ ngay sau khi điều chỉnh giá, niêm yết công khai tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu. "Quy định này nhằm giảm sự can thiệp của nhà nước vào quyết định giá bán của DN", Bộ Công thương nhấn mạnh và cho rằng chính việc để cho DN đầu mối tự quyết giá bán sẽ giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia hai vùng kiểu xa cảng, xa kho, xa nhà máy như hiện nay.

Giá xăng dầu, chỉ doanh nghiệp đầu mối được quyết- Ảnh 1.

Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới cho phép doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối quyết giá bán lẻ xăng dầu

Đào Ngọc Thạch

Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiến Thắng (Yên Bái), nói việc để DN tự tính toán các chi phí, rồi quyết giá bán, nhưng quy định DN đầu mối tự tính toán đưa ra mức giá tối đa, rồi giá bán lẻ cũng do đầu mối và phân phối quyết và không được cao hơn mức tối đa này… cho thấy đề xuất mới chỉ bảo đảm cho DN đầu mối, thương nhân phân phối đủ các chi phí, lợi nhuận còn với DN bán lẻ lại không có quy định nào cụ thể. Như vậy, bổn cũ vẫn soạn lại, mức thù lao bán hàng của DN bán lẻ vẫn dựa vào tính toán của DN đầu mối và phân phối. Nên nếu nói sự cạnh tranh bình đẳng trên thương trường thì DN bán lẻ dường như bị bỏ quên quyền lợi trong dự thảo nghị định này. Họ vẫn không có quyền tự quyết được giá bán ra cho người tiêu dùng và vẫn phụ thuộc giá bán lẻ từ đầu mối.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát, cho rằng: "Nên có một định nghĩa là thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: thương nhân đầu mối kinh doanh, thương nhân sản xuất xăng dầu, phân phối, bán lẻ, kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Thương nhân đầu mối khi đã được trao quyền định giá bán lẻ, phải có sự thỏa thuận với thương nhân bán lẻ, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí cho từng khâu trong hệ thống phân phối của mình và phù hợp với tỷ lệ phần trăm chi phí lợi nhuận dự thảo hoạch định. Ngoài ra, thương nhân phân phối phải có trách nhiệm công khai và tính toán tỷ lệ phù hợp. Khi các khâu có rõ ràng tỷ lệ về chi phí và lợi nhuận thì thị trường xăng dầu mới ổn định và quan trọng hơn, tạo động lực phát triển cho DN nói chung".

Ngoài ra, các DN cũng cho rằng ưu điểm của việc tự tính toán chi phí sẽ bỏ quy định giá vùng 1 và vùng 2 là tốt cho người tiêu dùng. Hiện nay, có đến 46 tỉnh thành đang mua xăng dầu theo giá vùng 2, do phải cộng thêm chi phí vận chuyển, nên cao hơn vùng 1 (gần kho, gần cảng, gần nhà máy lọc dầu…) từ 500 - 600 đồng/lít. Tuy nhiên, các quy định này cũng lỗi thời nên trong thực tế, người dân tại "thủ phủ" xăng dầu, có nhà máy lọc dầu như Thanh Hóa, lại phải mua xăng dầu bằng giá của vùng 2, theo quy định cũ được áp trước đây.

Giảm tầng nấc và giảm sự can thiệp của nhà nước thực sự

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, nói hoàn toàn ủng hộ chính sách để DN kinh doanh tự quyết giá cả. Tuy nhiên, các quy định khác trong dự thảo lại vô hình trung khiến đề xuất mới không đạt như kỳ vọng là tiến tới một thị trường kinh doanh có tính cạnh tranh, bình đẳng. Bà góp ý: Nghị định sửa đổi nên giảm tầng nấc trung gian nhiều nhất có thể. Thị trường nên có 2 tầng kinh doanh trong hệ thống. Đó là DN đầu mối chịu trách nhiệm tạo nguồn, nhập khẩu, sản xuất; DN phân phối, bao gồm cả bán buôn và bán lẻ. 

Bà Hường nói: "Trong thực tế, thương nhân phân phối cũng như DN bán lẻ, mua hàng từ đầu mối về bán, tại sao lại phân biệt cho họ có quyền ra giá cho bán lẻ và lại có hệ thống bán lẻ. Trong khi đó, bán lẻ là không được phép bán buôn. Hiện tại, quy định cho thấy DN bán lẻ chỉ được bán lẻ cho người tiêu dùng qua cột bơm, còn bán cho DN vận tải, nhà máy sản xuất là bán buôn, nhà bán lẻ muốn bán giá tốt hơn cho khách hàng đó cũng không được. Trong khi một cửa hàng xăng dầu có xe bồn, nằm bên cạnh công ty vận tải, hay nhà máy sản xuất, họ có thể mua hàng từ đầu mối về bán sỉ cho DN kinh doanh dịch vụ vận tải, sản xuất này với giá cạnh tranh, rẻ hơn vẫn được chứ. Theo tôi, quy định thương nhân phân phối có đặc quyền bán sỉ, ra giá cho DN bán lẻ là chưa công bằng".

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích: DN đầu mối được trao quyền quyết định giá bán, nhưng kiểm soát chi phí, lợi nhuận định mức vẫn thuộc nhà nước quản lý. Như vậy, cách điều hành giá xăng dầu vẫn còn lấn cấn ở việc "cho bơi, nhưng trói bớt 1 chân lại". Đã gọi là cơ chế thị trường thì phải xác định lời ăn lỗ chịu. Mỗi DN sẽ có cách quản lý riêng, cách bán hàng riêng, bảo đảm tối đa bán được nhiều hàng, bảo đảm duy trì hoạt động của DN. Muốn vậy, nghị định mới hãy có sự cởi trói đột phá hơn. Hãy để DN tự quyết giá mà không phải chỉ DN bán buôn. Bán buôn đưa ra giá bán buôn, bán lẻ phải có giá bán lẻ, đủ để cạnh tranh và bán được hàng nhiều hơn. 

Cơ quan quản lý chỉ nên có những quy định về tiêu chuẩn hàng hóa. Còn lại, việc DN bán lẻ mua về bán, mua đầu mối nào, thì các DN tự đàm phán với nhau. Đặc biệt, nên cho DN bán lẻ mua hàng trực tiếp từ nhà máy, không phải cứ qua ông đầu mối mà thôi. Hiện 2 nhà máy lọc hóa dầu đang cung cấp 70% nguồn hàng trong nước. Chính các nhà máy cũng phải cạnh tranh với nhau để giữ chân bạn hàng. 

Giá cơ sở xăng dầu tại mỗi kỳ điều chỉnh nên mang tính định hướng, còn lại để DN được quyết định theo cung cầu thị trường. Chi phí định mức cũng vậy, chỉ nên định hướng và để DN quyết định cụ thể. Hiện trong quản lý giá xăng dầu, chúng ta đang lạm dụng công tác bình ổn và tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, rồi tỷ lệ chi phí, lợi nhuận… là không nên. Mọi thứ chỉ mang tính định hướng để DN cạnh tranh, tạo môi trường phát triển bền vững và thị trường ổn định hơn.

Chuyên gia về giá, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN Nguyễn Tiến Thỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.