Bộ GD-ĐT bàn thí điểm học bạ điện tử ở cấp tiểu học

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/03/2024 14:23 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ điện tử, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học

Mới đây Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai thí điểm học bạ điện tử cấp tiểu học. Thông tin về quá trình triển khai học bạ số ở bậc tiểu học, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: Học bạ được số hóa sẽ lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.

Bộ GD-ĐT bàn thí điểm học bạ điện tử ở cấp tiểu học- Ảnh 1.

Ông Thái Văn Tài nói về chủ trương thí điểm học bạ điện tử ở cấp tiểu học

MOET

Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại cấp tiểu học. Đồng thời, đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin, không thể thay đổi thông tin khi học bạ đã được phát hành.

Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD-ĐT, để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.

Cũng theo ông Thái Văn Tài, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số.

Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm. Việc thí điểm thực hiện đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023 - 2024.

Một số địa phương đã thí điểm số hóa học bạ chia sẻ, học bạ điện tử có nhiều lợi thế, ưu điểm như giúp cải cách, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, tiết kiệm nhiều thời gian cho giáo viên, đổi mới công tác quản lý cho nhà trường và phụ huynh cũng thuận tiện trong việc tra cứu kết quả học tập của con em mình, phối hợp nhắc nhở học sinh học tập, đồng hành cùng nhà trường.

Không đợi đủ điều kiện mới thực hiện 

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc triển khai xây dựng thí điểm học bạ số là đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành. 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát, Bộ GD-ĐT bước đầu thực hiện thí điểm ở cấp tiểu học bởi đây là một việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước, với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng từng bước.

Dù lưu ý thí điểm triển khai học bạ điện tử ở bậc tiểu học cần thận trọng, kỹ lưỡng nhưng ông Thưởng cũng yêu cầu cần khẩn trương áp dụng đại trà. Theo ông Thưởng, không đợi đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ mới thực hiện thí điểm học bạ điện tử mà tận dụng tối đa các điều kiện của những nơi làm tốt, hướng dẫn, phối hợp với nơi làm chưa tốt, tháo gỡ vướng mắc ở những nơi còn khó khăn.

Ông Thưởng đề nghị các sở GD-ĐT đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, phụ huynh về nội dung học bạ số. Trong quá trình làm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vì đây là công việc khó, mới, trọng tâm và lâu dài.

Nhấn mạnh quá trình triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học cần đảm bảo quyền lợi của học sinh và nhà trường, ông Thưởng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục. Trong đó, tập trung triển khai tập huấn cho đội ngũ thực hiện và cố gắng hạn chế tối đa phát sinh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giáo viên, phụ huynh, nhà trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.