Ngày 12.4, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với sự tham dự của gần 450 đại biểu, đại diện ngành giáo dục 63 tỉnh, thành và lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ Công an.
MINH BẠCH, CÔNG KHAI THÔNG TIN ĐỂ TẠO ĐỒNG THUẬN
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đã chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương khẩn trương tham mưu với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành để sớm thành lập ban chỉ đạo kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh cần chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng, chuyên môn nghiệp vụ đúng quy trình, quy định trước mỗi kỳ thi. Trong đó, phải đảm bảo tốt cơ sở vật chất, nơi in sao đề thi, bảo quản đề thi, điểm thi, phòng thi, thiết bị in sao đề thi, máy chấm thi. Đồng thời đảm bảo khâu phòng chống cháy nổ, tập huấn về quy chế thi, nghiệp vụ thi, dự báo tình huống bất thường có thể xảy ra và xử lý tình huống...
Ông Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh, thành cần tiến hành công tác kiểm tra, vừa kiểm tra toàn diện vừa kiểm tra trọng tâm, trọng điểm. Năm nay, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra các cơ sở sớm, qua đó tổng kết những vấn đề còn vướng mắc, chủ quan để các đơn vị còn lại rút kinh nghiệm và thực hiện tốt.
"Kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thầy cô giáo tham gia rất lớn, số lượng thí sinh hàng triệu em, chỉ riêng ngành giáo dục không thể làm được mà cần sự phối hợp của ngành công an, quân đội, thanh tra, y tế, giao thông, điện… Nhiều chủ thể tham gia như vậy, công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt. Muốn vậy, việc phân công nhiệm vụ phải rõ chức trách nhiệm vụ, rõ sản phẩm, rõ thời gian", ông Thưởng nói.
Đáng chú ý, ông Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu ban chỉ đạo của các sở GD-ĐT cần chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin công khai, minh bạch về kỳ thi với tinh thần để phụ huynh, xã hội, ban ngành hiểu về kỳ thi, đồng thuận trong thực hiện. Qua truyền thông còn để phổ biến về điểm mới của quy chế, khuyến cáo những mức độ vi phạm nào sẽ đến mức xử lý hình sự để tất cả không muốn, không dám và không thể vi phạm.
GIÁO VIÊN COI THI TRÁNH TẠO ÁP LỰC CHO THÍ SINH
Về vấn đề gian lận trong thi cử, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc làm lộ đề thi là lộ bí mật nhà nước, có thể quy trách nhiệm hình sự. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm ngặt; các nội dung phản ánh và sự cố phải báo cáo theo phân cấp.
Theo ông Chương, trong thời gian thí sinh làm bài, thầy cô cũng không nên nhắc nhở nếu không cần thiết; cần giữ yên lặng, tránh tạo áp lực cho thí sinh. Đặc biệt, các sở GD-ĐT cần lưu ý tập huấn để giáo viên không mang theo điện thoại khi vào phòng thi. Đối với thí sinh, thời gian qua đã xuất hiện nhiều vật dụng mang tính chất gian lận như tai nghe siêu nhỏ, được ngụy trang dưới nhiều hình thức; do đó, các điểm thi cần phối hợp với lực lượng công an chủ động làm rõ, xử phạt theo chế tài khi phát hiện.
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Tại hội nghị, những vấn đề cụ thể liên quan quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng được đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh, thành trao đổi, thảo luận và kiến nghị.
Bà Bùi Thị Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước có sự phân hóa tốt, dễ dàng để các thí sinh đạt điểm 6, 7 xét tốt nghiệp; công tác nghiêm túc trong đoàn kiểm tra từ sao thi, chấm thi, sao đề... Vì vậy, bà Thanh mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì việc ra đề thi thêm sự phân hóa ở một số môn học để học sinh làm được những câu mình hiểu, không khoanh bừa. Đồng thời, tăng cường tiếp tục trong công tác thanh tra, kiểm tra chéo để kỳ thi được diễn ra tốt hơn.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, kiến nghị đối với những học sinh bị khuyết tật về trí tuệ thì xem xét miễn thi, xét công nhận tốt nghiệp. Ông Nam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT đẩy mạnh công tác truyền thông về xử lý vi phạm pháp luật, an ninh… trước kỳ thi.
Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, đánh giá cao việc hệ thống văn bản liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ GD-ĐT ban hành sớm, những điều không phù hợp đã khắc phục cơ bản. Ông Nam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT quán triệt chỉ đạo các đoàn kiểm tra thi của Bộ GD-ĐT khi về các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, an toàn, phù hợp với các yêu cầu đã quy định chứ không mang tính làm khó cho địa phương.
Các mốc thời gian thi tốt nghiệp THPT 2024
- Từ ngày 24 - 26.4: Lập và giao tài khoản trên hệ thống quản lý thi cho thí sinh là học sinh đang học lớp 12
- Từ ngày 24 - 28.4: Thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi
- Từ ngày 2.5 - 17 giờ ngày 10.5: Thí sinh đang học lớp 12 chính thức đăng ký dự thi trực tuyến
- Từ ngày 2.5 - 17 giờ ngày 10.5: Thí sinh tự do đăng ký dự thi trực tiếp
- Các ngày 27, 28 và 29.6: Thi tốt nghiệp THPT
- 8 giờ ngày 17.7: Công bố kết quả thi
- Chậm nhất ngày 21.7.2024: Hoàn thành công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Bình luận (0)