Những bức xúc về giá sách giáo khoa mới quá cao gần đây buộc những người theo dõi quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải nhìn lại để thấy rằng thực ra đã có những cơ hội để giảm bớt chi phí về sách giáo khoa cho người dân nhưng đã bị cơ quan quản lý bỏ lỡ.
Nếu bộ GD-ĐT thực hiện đúng chỉ đạo về tổ chức biên soạn SGK
Nghị quyết 88 của Quốc hội cho phép thực hiện một chương trình và nhiều sách giáo khoa (SGK), khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2 - 3 lần sách hiện hành |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Theo thiết kế, khoản kinh phí để triển khai tổ chức biên soạn một bộ SGK do Bộ GD-ĐT thực hiện và thẩm định là hơn 16 triệu USD (trong đó có hơn 15 triệu USD vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và 1 triệu USD vốn đối ứng), bao gồm: bồi dưỡng, tập huấn cho tác giả, thuê chuyên gia tư vấn quốc tế về biên soạn, thuê tư vấn trong nước biên soạn, tổ chức trại biên soạn và thẩm định, thực nghiệm; biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người một số môn học cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử.
Tuy nhiên, việc biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của WB đã không thực hiện được. Năm 2020, Bộ GD-ĐT báo cáo với Quốc hội: Theo quy định của WB, việc tuyển chọn tác giả phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình nên chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.
Theo các chuyên gia, SGK là mặt hàng đặc thù, chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn sách như hiện nay |
nguyễn loan |
Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (ngày 26.12.2018), Bộ GD-ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản (NXB) và triển khai biên soạn SGK. Tới thời điểm Bộ GD-ĐT mời thầu, các NXB đã có một số bản mẫu lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng.
Đến ngày 26.2.2020, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đấu thầu lần 2 để tuyển chọn tác giả biên soạn, ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Tuy nhiên, việc thương thảo để ký hợp đồng chưa thành công do các tác giả yêu cầu nhuận bút lâu dài mà yêu cầu này thì Bộ GD-ĐT không đáp ứng được.
Đây là mặt hàng thiết yếu cần phải quản lý, đảm bảo giá cả hợp lý, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà nâng giá SGK lên được.
PHAN VIẾT LƯỢNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT cho rằng hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với các NXB và đã hoàn thành bản mẫu lớp 1, chuẩn bị hoàn thành bản mẫu lớp 2, lớp 6. Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
Căn cứ vào tình hình đã nêu, Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và trường hợp có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD-ĐT phê duyệt thì Bộ không tổ chức biên soạn một bộ sách sử dụng ngân sách nhà nước nữa. Khoản kinh phí 16 triệu USD dự kiến để biên soạn SGK vẫn trong tài khoản của WB.
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn SGK như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 88 là rất đáng tiếc. Theo ông Long, nếu Bộ làm được điều này thì sẽ tăng cơ hội lựa chọn cho người dân khi mua được SGK giá rẻ hơn khi khâu biên soạn đã được kinh phí nhà nước chi trả khiến giá sách giảm đáng kể.
Ông Long cũng nêu quan điểm: “Tôi không nói chủ trương xã hội hóa SGK là sai, nhưng theo tôi do SGK là mặt hàng đặc thù thì chúng ta chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn sách như hiện nay”.
Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định |
nhật thịnh |
Những lần kiến nghị về định giá SGK chưa được phê duyệt
Mới đây, trước sức ép của dư luận về giá SGK mới, khi gửi thông tin tới báo chí, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận: “Cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn”.
Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá.
Những việc lẽ ra Bộ GD-ĐT có thể làm ngay để giảm chi phí SGK
Nhiều ý kiến cũng cho rằng SGK là nhu cầu thấp nhất cho học sinh, lẽ ra nên tìm mọi cách để giảm giá sách góp phần giảm chi phí cho học sinh.
Về phía Bộ GD-ĐT, trong thẩm quyền của mình có những việc có thể làm ngay để giảm gánh nặng cho người dân. Một trong những việc đó là rà soát lại danh mục SGK, những cuốn sách mà hầu hết người sử dụng phản ánh là không cần thiết và thực tế cũng không dùng đến như SGK: thể dục, hoạt động trải nghiệm, đạo đức… thì cần có văn bản hướng dẫn không bắt buộc học sinh phải mua. Bên cạnh đó, Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn chuẩn về hình thức các cuốn SGK, danh mục học liệu, các dụng cụ dạy học cần thiết theo SGK mới. Đây là căn cứ để các nhà xuất bản biên soạn, in ấn các bộ SGK có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của phần đông người dân, tránh tình trạng các nhà xuất bản có xu thế lựa chọn các loại giấy tốt nhất, công nghệ in tốt nhất dẫn tới giá SGK cao hơn trong khi điều kiện kinh tế của phần lớn người mua không đáp ứng được.
Tuy nhiên, đây không phải là đề xuất mới. Năm 2020, 2021, Bộ GD-ĐT từng có các văn bản đề xuất tương tự. Thời điểm đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính, Chính phủ đã có tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được chấp thuận do phải sửa luật Giá mà Chính phủ lại chưa có đánh giá tác động về vấn đề này. Lãnh đạo Bộ Tài chính khi ấy cũng cho rằng SGK không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc giám đốc các NXB. Việc chỉ thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn phát hành SGK như mong muốn. Ngoài ra, nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các NXB, sẽ có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn SGK cho học sinh.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây, ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng cho rằng điều cốt lõi là quản lý về giá SGK sao cho chặt chẽ. Nhà nước cần phải quản lý về giá, định giá, thậm chí hỗ trợ giá và đảm bảo công khai minh bạch. “Đây là mặt hàng thiết yếu cần phải quản lý, đảm bảo giá cả hợp lý, không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà nâng giá SGK lên được”, ông Lượng nói.
"Áo đẹp” thì tốt hơn nhưng trong hoàn cảnh còn khó khăn có “áo lành” để mặc thì tốt rồi
Bà Nguyễn Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: Với rất nhiều gia đình vùng sâu, vùng xa, gia đình có đông con đi học thì việc giá SGK tăng cũng tăng thêm gánh nặng cho các gia đình này. Mặt bằng chung của đời sống của người dân chưa cao, trong những năm qua phải đối mặt với dịch bệnh khiến số người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rất nhiều, do vậy cần tính toán để chọn chất liệu giấy phù hợp để góp phần giảm chi phí làm SGK. Đương nhiên “áo đẹp” thì tốt hơn nhưng trong hoàn cảnh còn khó khăn có “áo lành” để mặc thì tốt rồi. SGK cũng vậy, giấy tốt, in ấn đẹp cũng tốt nhưng chúng ta phải nhìn vào mặt bằng chung.
Qua dư luận phản ánh và qua giám sát tại địa phương, chúng tôi cũng thấy đang có tình trạng "lạm dụng SGK". Số lượng SGK của học sinh quá nhiều, có những bộ môn không cần nhưng vẫn có sách. Do đó, cùng với quản lý giá SGK cho phù hợp thì phải tinh gọn SGK; khuyến khích sách số.
Bình luận (0)