Bố mẹ giám sát con cái dù đã là sinh viên: Quan tâm hay quá khắt khe?

14/01/2023 15:37 GMT+7

Sinh viên là độ tuổi có sức trẻ, có thời gian và có cơ hội được sai, nên việc đi nhiều để học hỏi sẽ giúp bản thân phát triển và hiểu nhiều về thế giới xung quanh.

Áp lực từ phía gia đình

Đại học là khoảng thời gian để người trẻ trải nghiệm và học hỏi về cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh luôn có tâm lý lo lắng về vấn đề an ninh - xã hội nên ra sức ngăn cản, không cho con mình cơ hội tự do tiếp xúc với những gì mà chúng muốn. Chính vì vậy, nhiều sinh viên cảm thấy bức xúc và gò bó trong chính gia đình của mình.

Có bố mẹ quá nghiêm khắc, Bùi Thị Thanh Trúc (18 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) cho biết bản thân như bị kiểm soát, nhất là về vấn đề quản lý giờ giấc. Cụ thể, bố mẹ không cho phép Trúc về nhà sau 21 giờ. Do đó, nữ sinh viên chỉ biết đi học đúng giờ và tham gia câu lạc bộ cầu lông vào các buổi sáng, hạn chế những hoạt động vui chơi hay ra ngoài cùng bạn bè vào buổi tối.

“Tôi biết bố mẹ lo lắng nên đôi lúc hơi khắt khe và không cho phép về muộn. Tuy nhiên, điều đó vô tình khiến tôi cảm thấy áp lực”, Trúc bộc bạch.

Khi con trở thành sinh viên, ba mẹ cần đồng hành, khuyến khích con bước vào cuộc sống thay vì ngăn cản, không cho con mình cơ hội tự do tiếp xúc với những gì mà chúng muốn

hoài thương

Đồng quan điểm với Trúc, Nguyễn Lê Uyển Thư (20 tuổi, sinh viên trường ĐH Hoa Sen) cho rằng thời gian học đại học nên là lúc mà bản thân được tự do khám phá xã hội thay vì bị bố mẹ can thiệp. Nữ sinh viên cho biết mình đang theo đuổi ngành Quản trị công nghệ truyền thông với ước mơ làm phim.

Vì tính chất công việc nên Thư thường có những buổi làm bài tập ở xa và trở về nhà lúc tối muộn. Có một hôm, do phải đi quay phim ở xa phục vụ môn học, Thư xin phép đi làm bài từ 17 giờ, nhưng đến tận sáng hôm sau mới về. Lúc này bố cô đã nổi giận và cấm cô không được về nhà sau 22 giờ. Thư đã rất bức xúc và nhiều lần nghĩ đến việc dọn ra ở riêng để tránh gò bó.

Tuy nhiên, những lần sau đó, Thư thường báo cho bố mẹ biết nơi cô đi làm phim và giờ giấc để bố mẹ yên tâm. Thư đã chứng minh bản thân và dần thuyết phục được phụ huynh để theo đuổi đam mê: “Tôi nghĩ nếu chúng ta ‘đạp’ lên áp lực, đủ bền bỉ và nhiệt huyết thì chắc chắn bố mẹ sẽ ủng hộ”.

Tương tự, Võ Như Ngọc (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), chia sẻ bố mẹ luôn ủng hộ cô vì họ biết rõ những hoạt động và công việc mà cô tham gia.

“Bố mẹ dường như tôn trọng tuyệt đối thời gian riêng tư của tôi. Những khi phải về muộn thì tôi sẽ chủ động chia sẻ với bố mẹ. Và bố mẹ cũng luôn khuyến khích tôi ra ngoài nhiều hơn thay vì kiểm soát”, Ngọc kể. Đồng thời, gia đình luôn tạo cơ hội cho Ngọc tham gia nhiều hoạt động để giúp cô tích lũy được những kiến thức cho bản thân cũng như công việc sau này.

Theo Ngọc, quan niệm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” vẫn còn khá phổ biến và không khó để hiểu lý do, bởi vì bố mẹ luôn yêu thương con. “Tuy nhiên, nếu bố mẹ quá bao bọc mà gò bó con cái thì đôi khi sẽ gây ra áp lực và có thể làm cản trở lý tưởng sống của mỗi người”, Ngọc thổ lộ.

Về phía phụ huynh, bà Tạ Thanh Phượng (42 tuổi, ngụ TP.HCM), có con gái đã vào đại học, chia sẻ rằng đã thoải mái hơn trong việc quản lý thời gian của con vì bà tin con đã đủ lớn để biết tự sắp xếp.

Ngược lại, bà Đoàn Thị Hà (48 tuổi, ngụ Đồng Nai) có phần khắt khe hơn: “Ngoài xã hội có rất nhiều hiểm nguy tiềm tàng, nên tôi sẽ an tâm hơn khi con xin phép đi đâu, đi với ai và không được về nhà quá khuya”.

“Lắng nghe, thấu cảm”

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng phòng đào tạo tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống CARA (Hà Nội), cho rằng tâm lý lo sợ con cái gặp bất trắc là thường trực đối với các bậc bố mẹ. Điều đó thể hiện sự yêu thương của bố mẹ tới những đứa con của họ.

Tuy nhiên, việc kiểm soát lịch sinh hoạt và khắt khe quá mức không thực sự đem lại kết quả tốt. Một số trường hợp phản ứng ngược, con cái tìm cách phản kháng hoặc trở nên trầm cảm vì cảm giác gò bó và vì sự không tin tưởng của bố mẹ, theo ông Chiến.

Làm công việc tiếp xúc với nhiều học sinh và phụ huynh, ông Chiến nhận thấy nhiều bạn trẻ hiện nay có tâm lý ngại chia sẻ những điều trong cuộc sống với bố mẹ vì sợ sẽ bị hiểu nhầm, trách mắng. Mỗi lứa tuổi lại có những giai đoạn “ẩm ương” riêng, khi các cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa có thể khiến một số bạn trẻ đi đến những hành động bộc phát.

Ông Nguyễn Quốc Chiến nhắn nhủ: “Tình yêu thương của bố mẹ nếu không có sự tin tưởng vào các con thì sẽ mãi kiểm soát, khiến các con không thể trưởng thành. Các bạn trẻ không học cách tự lập và chịu trách nhiệm với hành động của mình thì cũng không thể bước ra khỏi ‘vùng an toàn’ của bố mẹ”. “Lắng nghe, thấu cảm và dám chấp nhận rủi ro" là chìa khóa để tháo gỡ mâu thuẫn về quyền kiểm soát giữa bố mẹ và con cái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.