Bộ NN-PTNT nói về truy xuất 'đào rừng', không để ách tắc tiêu thụ sản phẩm hợp pháp

18/01/2021 17:39 GMT+7

Bộ NN-PTNT cho rằng, các địa phương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đào , mai nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây ánh tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Ngày 18.1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã ký văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo văn bản này, Bộ NN-PTNT có nhận được văn vản của UBND tỉnh Sơn La về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác và xác nhận cây đào trồng của người dân. Bộ NN-PTNT cho rằng, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định.
Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng. Các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.
Cũng theo văn bản này, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả năng thực thi đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Trước đó, ngày 24.12, phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Tôi yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, hoa đào, các loại cây khác ở núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc. Ai mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng bị chặt phá như vậy là vi phạm”.
Thực tế khảo sát tại Sơn La, Lào Cai,… lãnh đạo các địa phương đều khẳng định không có đào rừng mọc trong rừng tự nhiên. Đào rừng chỉ là tên gọi, và thực chất đây là giống đào được người dân trồng trên diện tích đất nông nghiệp hoặc rừng sản xuất.
Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại, UBND tỉnh Sơn La đang chỉ đạo thí điểm cấp tem chứng nhận đào rừng do người dân trồng tại các huyện Mộc Châu và Vân Hồ để phân biệt với đào rừng tự nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác, vận chuyển tiêu thụ đào trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, khẳng định địa phương này sẽ không tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào bởi không có đào rừng.
Theo ông Duy, đào rừng chỉ là cách gọi theo thói quen của người miền xuôi bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi, còn đối với người dân vùng cao thì không có cách gọi như vậy. Cây đào ở Lào Cai là đào trồng trong vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố trong rừng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cho rằng: “Không nên hiểu chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ có riêng đào rừng. Mà tất cả các loài trong rừng tự nhiên được quy định theo pháp luật thì phải quản lý chặt chẽ, còn những gì nằm ngoài rừng tự nhiên, không liên quan đến các quy định cấm, thì đương nhiên người dân được toàn quyền quyết định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.