Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức trong ngày 3.12, có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo các tỉnh trung du miền núi phía bắc.
Nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, các tỉnh trung du miền núi phía bắc với 17 tỉnh có tổng diện tích rừng là trên 5,731 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 3,962 triệu ha, diện tích rừng trồng là 1,796 triệu ha. Rừng trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, mỡ, quế... Đến cuối năm 2020, vùng trung du và miền núi phía bắc có tỷ lệ che phủ rừng vùng khoảng 52,6%. Tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 - 2020 hơn 7.750 tỉ đồng, riêng năm 2020 thu 1.239 tỉ đồng
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở khu vực này có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm và hiện có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỉ đồng/năm.
Các tỉnh trung du miền núi phía bắc còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Mỗi năm, khách du lịch chi tiêu ở các khu du lịch sinh thái gắn với rừng lên tới 620 tỉ đồng vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách ở các tỉnh.
Khu vực trung du và miền núi phía bắc luôn có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ ở mức cao duy trì trong nhiều năm qua |
Thanh Niên |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ, thời gian qua địa phương này xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, người dân tại Lai Châu lưu giữ và bảo tồn được nhiều loại dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất, đương quy, hà thủ ô... nên bà con có thu nhập tương đối cao. “Đến nay, 70% hộ dân tham gia trồng và bảo vệ rừng đều có nguồn thu nhập ổn định từ rừng”, bà Mỷ nói.
Ông Vũ Thế Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết địa phương này đang có 200 ha cây dược liệu dưới tán rừng với các loài chủ yếu là khôi nhung, thảo quả, hương nhu, giảo cổ lam… nhưng phát triển kinh tế vẫn còn manh mún. Để phát huy kinh tế dưới tán rừng, Tuyên Quang đã có đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2030 gắn với phát triển dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha và đến năm 2030 sẽ nâng lên diện tích 3.500 ha.
Sẽ có đề án riêng, không để người dân phát triển tự phát
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trung du và miền núi phía bắc có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học cao, gắn với đa dạng về văn hóa, bản sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng du lịch sinh thái trong rừng còn hạn chế và chưa thu hút được khách du lịch; chưa tạo được nguồn thu cho các chủ rừng.
Ông Tiến cho biết, mỗi năm, các tỉnh khu vực Tây Bắc có nguồn thu hàng nghìn tỉ đồng từ các nhà máy thủy điện để tái đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên. Song trên thực tế, nhiều tài nguyên và chức năng của rừng vẫn chưa được khai thác thành các dịch vụ như: dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp; hấp thụ CO2.
Ông Lê Minh Hoan khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ có đề án riêng phát triển kinh tế dưới tán rừng ở khu vực trung du và miền núi phía bắc |
Như Quỳnh |
“Sử dụng hệ sinh thái rừng hiện còn đơn lẻ, chưa chú trọng theo hướng đa mục đích, đa giá trị. Rừng có giá trị ở nhiều mặt, đặc biệt là sản phẩm gắn với đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá nguồn tài nguyên, giá trị của rừng rất đa dạng nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm có chính sách đầu tư để kích hoạt phát triển kinh tế rừng, biến ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo ba trụ cột: tài nguyên bản địa, tinh hoa văn hóa dân tộc thiểu số và tinh hoa sáng tạo. Đặc biệt, kinh tế dưới tán rừng ở các địa phương phải tính đến hiệu quả bền vững, nghĩa là khai thác có kiểm soát, có chương trình để không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng.
Ông Hoan gợi ý, khai thác tiềm năng, giá trị của rừng gắn với mục tiêu đưa kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi... giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, giữ rừng nâng cao thu nhập.
“Bộ NN-PTNT ghi nhận và lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp tại hội nghị này, chúng tôi sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và sẽ có chương trình, đề án riêng về phát triển kinh tế dưới tán rừng cho vùng trung du miền núi phía bắc, chứ không để phát triển một cách tự phát”, ông Hoan nói.
Bình luận (0)