Bỏ phố lên rừng phụng sự cho đời

26/08/2022 09:00 GMT+7

“Khi sống biết ơn, mình nhận ra biết ơn thôi chưa đủ. Mình chọn một cuộc sống cống hiến, sống để phụng sự: phụng sự cho mình và phụng sự cho đời”, Võ Văn Phi Long chia sẻ về quyết định bỏ phố lên rừng của mình.

Vào ngày 17.6, tròn 6 tháng nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Phi Long (32 tuổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bỏ phố về rừng. Còn nhớ, trong ngày đầu tiễn chân Long lên Tây Bắc, Long bảo: “Mình đi, bạn bè không ai biết cả, anh là người đầu tiên em kể!”. Từ đó, tôi trở thành người bạn đồng hành chia sẻ cùng Long trong những lúc gian khó cho đến khi mọi thứ tạm ổn định.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Phi Long bên ngôi nhà lán của mình ở bản Căn Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

đ.h.l

Tạo dựng ngôi nhà cộng đồng số 23

Những ngày đầu mới lên rừng, Long sống trong một căn nhà lán do mình tự tay thiết kế ở bìa rừng cách trung tâm bản Căn Tỷ 2 (xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) khoảng 3 cây số. Từ một chàng trai trẻ sống ở phố với đầy đủ tiện nghi vật chất, đặc biệt là tình cảm ấm áp của mẹ, thì nay Long phải ở một mình đơn độc giữa rừng thiếu thốn mọi bề: Không điện, không nước; nhiều hôm mưa lạnh, củi ướt, gió to không chụp được lửa, Long phải ăn mỳ tôm qua ngày. Còn những ngày thường, bữa ăn chủ yếu là cơm, rau cải và trứng gà. Thấy cơ thể Long ngày càng gầy gò, tôi khuyên Long nên mua thêm cá khô từ quê gửi ra ăn cho có chất và dễ và cơm, Long gạt phăng: “Kệ, bà con người Mông ở đây ăn cơm với rau được thì mình cũng ăn được!”.

Vốn có cuộc sống thiếu thốn từ bé - bố mẹ ly dị, Long từ nhỏ đã trở thành chỗ dựa cho gia đình nên có tính tự lập rất cao và tập cho mình nhiều kỹ năng sống. Sống nơi hẻo lánh, không có nước thì Long về thành phố Lai Châu mua ống nước dẫn nước suối về nhà; không có điện thì Long mua toubin về đặt ở suối để phát điện. Hôm có điện, Long gọi điện cho tôi reo mừng: “Vui quá anh ơi! Có điện rồi, em cảm thấy phấn chấn hẳn ra!”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Phi Long nhận áo quần từ thiện từ dưới xuôi gửi lên cho đồng bào dân tộc ở Tây Bắc

đ.h.l

Phi Long biết đến Lai Châu vào tháng 7.2018, trong một lần đi công tác xã hội - cộng đồng cho một tổ chức phi chính phủ tại huyện Sìn Hồ, đúng lúc ở đây đang cao điểm mùa mưa nên việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. “Các dự án tụi em làm là các công trình nước sạch, khám và phát thuốc miễn phí, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai và học đường. Sau gần 3 năm làm trong mảng xã hội và cộng đồng trên mọi miền Tổ quốc đã giúp em trưởng thành hơn, nhìn cuộc sống xung quanh bằng góc nhìn đa chiều và quý trọng giá trị của cuộc sống. Từ đó, mình nghiệm ra rằng “cho đi là còn mãi”. Mình quan sát thấy bà con ở đây còn nhiều khó khăn và cần sự giúp đỡ, rồi phải lòng yêu vùng đất này”, Long nhớ lại.

Khi còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phi Long thường xuyên liên hệ những người thân quen xin quần áo cũ gửi ra cho đồng bào dân tộc ở Lai Châu, rồi Long tạo ra trang fanpage Gánh Food để tiêu thụ sản phẩm tự nhiên cho người dân như mật ong rừng, lê rừng, mận Tam Hoa. Từ đó, anh nghĩ đến việc cần có một địa điểm tập trung để dễ quản lý thu gom và giao nhận nên muốn tạo ra một ngôi nhà cộng đồng.

Với sự giúp đỡ của hai thanh niên ở bản là A Chinh và A Sử, ngôi nhà được xây dựng trên khu đất khai hoang làm nông nghiệp sau gần 2 tháng. “Mục đích tạo ra ngôi nhà này là để có địa chỉ cho mọi người gửi quần áo cũ dưới xuôi lên đây cho thuận tiện. Người dân cũng có thể mang sản phẩm đến đây gửi bán. Đây còn là nơi tiếp đón những người về truyền dạy cho bà con cách chăn nuôi, trồng trọt và làm mô hình mẫu về trồng trọt, chăn nuôi để hướng dẫn, chia sẻ cho bà con. Mình lấy tên “nhà số 23”, một phần vì cách trung tâm thành phố Lai Châu 23km, ban đầu chỉ có 2 người (Long và A Chinh) sau đó thêm A Sử nữa nên là 23 và cũng là ngày sinh của mình”, Long giải thích.

“Gánh thay âu lo, trao cho điều ước”

Những lúc rảnh rỗi, Long lại dẫn các thanh niên trong bản đến thăm quan các mô hình vườn đào, vườn mận, vườn lê hiệu quả trong tỉnh để học hỏi. Điển hình là mô hình thâm canh tổng hợp vườn lê của ông Sang ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả giống lê nâu và lê Tai Nung được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lai Châu và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới (ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai) hỗ trợ giống và kỹ thuật. “Ông Sang là người Mông làm vườn thành công nên em muốn dắt một số thanh niên người Mông đến đây học tập. Chính tiếng mẹ đẻ của họ sẽ giúp họ dễ tiếp nhận kiến thức hơn. Sau khi tham quan thực tế, nhiều anh em rất phấn khởi và muốn bắt tay vào làm ngay”, Long chia sẻ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Phi Long đón Tết đầu tiên cùng bà con người Mông tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

đ.h.l

Đặc biệt, ở xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ có nhiều rừng rậm, trong khi đó, nhiều gia đình có nhiều con em bỏ học giữa chừng nên Long hướng dẫn bà con cách nuôi dê lấy thịt. Cứ hết mùa cấy lúa, Long lại khuyên bà con đem trâu lên đây chăn thả và hỗ trợ chỗ ở lại nghỉ ngơi. Đến tháng 3, mùa con ong làm mật, Long lại thu gom mật ong nguyên chất được người dân lấy trong rừng tự nhiên để đưa về xuôi tiêu thụ. Nhờ chất lượng mật ong tốt, thông qua Facebook nhiều khách hàng dưới xuôi đã đặt mua với số lượng lớn. Từ số tiền thu được, Long trích ra một phần để giúp đỡ bà con nghèo.

Vốn hoạt bát, cởi mở nên đi đâu, gặp ai Long cũng chào hỏi và chuyện trò vui vẻ. Có lẽ vì thế mà đồng bào nơi đây rất yêu quý Long. Họ thường mang cho Long những thứ mình trồng được như gạo, bắp, rau... Nhất là trẻ em nhỏ, hễ thấy Long từ đằng xa là đứng vòng tay lại hô "chào thầy Long" khiến Long rất xúc động. Đặc biệt, nhiều em ở bản căn tỷ 2, đi bộ 2-3 cây số để đến thăm Long và ở lại ăn cơm như người trong nhà. Quý các em, Long thường xuống dưới phố mua thật nhiều kẹo, bánh để cho các em mỗi khi lên chơi. Mới đây, vào ngày 21-6, trong một cuộc trò chuyện với em Dia, được biết em có hoàn cảnh khó khăn: bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 3 anh em ăn học. Đồng cảm với nỗi khổ thiếu thốn vật chất và tình thương của bố, Long đã chở Dia xuống phố tìm mua xe đạp cũ và tân trang lại như mới. “Mình muốn cho em có động lực trong cuộc sống để vươn lên học tập vì mình cũng từng trải qua những giai đoạn như thế nên mình hiểu. Hy vọng chiếc xe đạp này sẽ giúp em Dia đỡ vất vả hơn khi đi học”, Long nhấn mạnh.

Nhận xe trễ hơn một buổi so với lời hẹn của Long do phải sửa chữa nhiều, Dia cười thẹn thùng cảm ơn thầy Long rối rít. Trong ánh mắt hồn nhiên ấy, tôi thấy được niềm tin yêu con người và cuộc sống của em khi Dia nói: “Không sao đâu thầy, con vẫn chơi với thầy!”. Đây chỉ mới là sự khởi đầu cho những dự án mà Long ấp ủ. Bên cạnh việc chia sẻ những câu chuyện về người thật việc thật qua Facebook cá nhân của mình và những bài phóng sự ảnh đăng trên các báo, hiện Long đang thực hiện thành lập một kênh Youtube có tên là Gánh TV với mong muốn chung tay “Gánh thay âu lo, trao cho điều ước” cùng bà con vùng cao. Qua Gánh TV, Long sẽ giới thiệu cuộc sống khổ cực của đồng bào nơi đây để từ đó lan tỏa tình yêu thương và kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ bà con dân tộc.

Nhìn dáng người liêu xiêu của Dia đạp tung tăng trên con đường quanh co triền núi sau khi nhận chiếc xe đạp từ tay Long, tôi mới thấu hiểu hết những ý nghĩa mà Long đã, đang và sẽ làm. Tôi tin Long sẽ thực hiện được khi có sự đồng lòng chung sức ủng hộ của cộng đồng xã hội nói chung và người dân Lai Châu nói riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.