Bố Quynh là tên thường gọi của lương y Hoàng Văn Vương, chuyên bốc thuốc Nam gia truyền, được nối nghề từ cụ lang Cử nổi tiếng khắp vùng gần xa. Cụ lang Cử tên thật là Hoàng Văn Sinh, là cha đẻ và là người truyền nghề thuốc Nam cho Vương.
Bố Quynh - lương y Hoàng Văn Vương phơi thuốc Nam |
khánh an |
Người ta biết đến bố Quynh bởi hai lẽ: giỏi bốc thuốc và có tâm.
Vị lương y dễ gần
Vừa rồi tôi tìm đến nhà lương y Hoàng Ngọc Vương, gọi theo phong tục người Tày là bố Quynh (tên người con trai cả của Vương), để tìm hiểu về nghề thuốc Nam và vị lương y có tiếng là “bốc thuốc mát tay” này.
Trong vai người nhà bệnh nhân đi bốc thuốc, tôi hỏi bố Quynh khá nhiều chuyện. Cảm nhận đầu tiên của tôi đây là vị lương y dễ gần. Ở tuổi 56, bố Quynh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sôi nổi như thanh niên. Bố Quynh nói say sưa về nghề thuốc Nam gia truyền cùng những vui, buồn của nghề và cho biết anh bốc thuốc chữa được nhiều loại bệnh khác nhau, song hiệu quả nhất là chữa các bệnh về gan, dạ dày, thận, đại tràng, vôi hóa cột sống... Trong chữa bệnh, bố Quynh coi trọng nhất là chữ tín, vì thế anh luôn chú tâm đến chất lượng toa thuốc, từ khâu tìm nguồn dược liệu đến việc chế biến, bảo quản và hướng dẫn sử dụng cho người bệnh.
Một trong những điều làm tôi chú ý, là khi nói chuyện bố Quynh thường nhắc đến câu “Chữa bệnh cứu người là chính chứ không phải để kiếm tiền”. Anh cho biết đây là phương châm có từ thời cụ cố duy trì đến nay và sẽ mãi là như vậy, dù biết rằng nghề thuốc bây giờ tương đối dễ kiếm tiền từ người bệnh, nhất là các bệnh nhân hiểm nghèo, nếu như đánh trúng vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của họ!
Lần đầu gặp bố Quynh mà tôi ngỡ như gặp từ lâu rồi. Có lẽ cái nét dân dã, sự cởi mở dễ gần của một lương y chuyên bốc thuốc Nam, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người đã tạo nên một bố Quynh như vậy.
Bố Quynh dẫn tôi vào khu rừng nguyên sinh rộng trên chục héc ta của gia đình. Đây là nơi bảo tồn nhiều cây thuốc quý và nguồn dược liệu tương đối dồi dào. Tôi hỏi khu rừng này có lâu chưa? Làm cách nào để bảo vệ được? Bố Quynh im lặng hồi lâu như thể hồi tưởng điều gì, rồi kể:
- Bố em bảo, khu rừng này gia đình tự trông nom, bảo quản từ thời bố mẹ em mới lấy nhau. Hồi ấy nhận thấy người khai hoang ở dưới xuôi lên khai thác rừng vô tội vạ, sợ rằng hết rừng sẽ hết cây thuốc nên bố em đã nảy sinh ý tưởng khoanh vùng trông nom, bảo vệ, chăm sóc khu rừng ngay quanh nhà mình. Nhờ vậy mới còn khu rừng nguyên sinh này. Đây thực sự là nơi cung cấp dược liệu quan trọng cho nghề thuốc Nam của em. Em nghĩ, nếu không giữ được khu rừng gần nhà thì sau này phải đi xa mới lấy được cây thuốc. Dược liệu làm thuốc mọc ở rừng già tự nhiên sẽ tốt hơn dược liệu trồng ở nương, vườn, soi bãi, bác ạ.
Tôi hỏi bố Quynh:
- Bây giờ rừng còn ít, khu rừng nhà mình lại có nhiều gỗ quý, nhiều lâm thổ sản mà không bị lâm tặc chặt phá à?
Bố Quynh nói vẻ tự hào:
- Không bác ạ, vì “lâm tặc” thực ra cũng là bà con, dân làng mình thôi mà. Dân bản ở đây đều biết khu rừng của nhà em nên chẳng ai phá, bởi cụ lang Cử trước đây và bây giờ là em luôn lấy cây thuốc Nam từ trong khu rừng này để chữa bệnh cho dân làng. Từ khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng bố em đã hoàn tất thủ tục để được cấp số lâm bạ. Có lẽ vì thế nên em chẳng thấy ai tranh chấp, chặt phá gì cả.
Chữ tín
Nghe tôi hỏi mỗi năm bán được bao nhiêu thuốc, chữa bệnh được bao nhiêu người, thu được bao nhiêu tiền? Bố Quynh cười rất vô tư:
- Muốn biết con số cụ thể phải về nhà giở sổ sách ra cộng, bác ạ. Vì ai đến bốc thuốc hoặc điện thoại đặt hàng em đều ghi chép tên tuổi, địa chỉ bệnh nhân, loại bệnh, bài thuốc, số lượng thuốc, ngày bốc và cả kết quả chữa bệnh khi họ đến bệnh viện khám kiểm tra hoặc đến đây bắt mạch lại.
Tôi bảo áng chừng con số cũng được, bố Quynh nhẩm một lúc rồi bảo, chắc mỗi năm khoảng một đôi tấn thuốc khô và chừng vài nghìn toa thuốc, tương ứng với trên dưới một nghìn người bệnh. Tỉ lệ khỏi bệnh chừng năm sáu chục phần trăm.
- Thế thì thu ối tiền, nhỉ!
Nghe tôi nói thế, bố Quynh lắc đầu:
- Chẳng được nhiều đâu bác ơi, vì em bốc thuốc chủ yếu là chữa bệnh cứu người nên lấy ít tiền thôi, bà con ta còn nghèo mà. Mấy năm nay có dịch Covid - 19, ai cũng khó khăn cho nên em không tăng giá thuốc. Gặp bệnh nhân nghèo quá em miễn phí luôn. Người ở xa không kịp về em cho lưu trú qua đêm, lo cả cơm nước cho họ.
- Có trường hợp nào bệnh nhân hoặc người nhà của họ phàn nàn về chất lượng thuốc nhà mình không? - Tôi hỏi bố Quynh.
- Có chứ bác. Khi người ta phàn nàn về thuốc nhà mình thì em phải tìm hiểu luôn xem nguyên nhân từ đâu. Nếu thuốc bị hỏng do ẩm mốc thì em đổi thuốc mới, nhưng trường hợp này ít khi xảy ra, vì thuốc nhà em thường được phơi, sấy rất kỹ. Nếu uống thuốc không hiệu quả thì có thể do nhiều nguyên nhân. Có thể em bốc thuốc chưa đúng thành phần, mà lý do chính là bệnh nhân hoặc người nhà của họ khai chưa thật đúng tình trạng bệnh, trường hợp này em sẽ điều chỉnh lại thành phần của thuốc. Ngoài ra cũng có nhiều bệnh nhân uống thuốc không đúng chỉ dẫn, uống không đủ liều hoặc không kiêng khem theo lời thầy lang đã dặn nên hiệu quả điều trị chưa cao. Nhiều khi lỗi không phải do thầy thuốc, nhưng để giữ chữ tín em vẫn phải chấp nhận phần thiệt về mình!
Bố Quynh nhặt thuốc Nam trong rừng |
khánh an |
Vui, buồn nghề thuốc
Trò chuyện về vui, buồn nghề thuốc, bố Quynh tâm sự:
- Vui nhất là khi bệnh nhân báo tin đã khỏi bệnh. Mỗi lần nhận được điện thoại của bệnh nhân như vậy em sướng chẳng kém gì họ. Cũng nhờ các bệnh nhân khỏi bệnh truyền tai nhau mà mỗi ngày uy tín của em được tăng thêm, nhiều người ở khắp mọi miền trên đất nước đã tìm đến đây để bắt mạch, lấy thuốc lần đầu. Từ lần sau trở đi em gửi thuốc cho bệnh nhân qua đường bưu điện hoặc gửi xe ô tô khách để bệnh nhân hoặc người nhà đỡ phải đi lại tốn kém, mệt người.
- Thế còn buồn nhất khi nào?
Nghe câu hỏi của tôi, bố Quynh buồn ra mặt. Anh bảo:
- Buồn thì nhiều đấy. Buồn nhất là khi nghe tin bệnh nhân không qua khỏi! Trong số đó đa phần khi đến đây lấy thuốc bệnh của họ đã nặng quá rồi! Cái buồn tiếp nữa là bệnh nhân uống thuốc chỉ đỡ chứ không khỏi hẳn. Cái buồn thứ ba là bị một số người lợi dụng thuốc của em để làm mất uy tín nhà em.
- Họ làm như thế nào?
- Họ mua thuốc của em giá rẻ về bán lại giá cao gấp đôi để kiếm lời. Tệ hơn có người còn pha trộn thêm một số thảo dược loại vô thưởng vô phạt vào thuốc của em để tăng thêm số lượng, bán được nhiều tiền hơn. Thậm chí có kẻ còn lấy nhãn mác thuốc nhà em dán vào túi thuốc đểu của họ để đánh tráo! Có người lấy thuốc bảo sẽ “bắn tiền” qua tài khoản nhưng rồi lờ tít không trả!...
Lời tâm sự của bố Quynh làm tôi buồn lòng. Nhưng bố Quynh lại nói đầy tự tin:
- Cũng chả sao, bác ạ. Miễn là mình cứ hết lòng vì người bệnh là được rồi. Cứ nghĩ mỗi năm em lấy thuốc Nam chữa khỏi cho vài trăm bệnh nhân là vui lắm rồi! “Cứu một người phúc đẳng hà sa” mà, phải không bác?
Bình luận (0)