Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Những hố bom lỗ chỗ trên mặt đất đã được lấp đầy từ lâu. Những sườn núi lở loét vì đạn bom đã lên da non, đã hồi sinh từ lâu. Những vạt rừng cháy rụi đã mọc lên muôn triệu nghìn chồi non và đã mấy chục mùa thay lá mới. Những làng mạc tan hoang không còn một chút dấu tích chiến tranh, đã trở lại trù phú từ nhiều năm rồi. Những thành phố đổ nát đã được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn từ mấy thập kỷ. Những vết thương của cây, của đất, của đá, của làng mạc, thành phố, của núi đồi sông suối đã kín miệng từ lâu, đã lành lại từ lâu...
Bất kể ngày nắng hay mưa, mùa hè nóng bức hay ngày đông lạnh giá…, người cựu chiến binh gầy gò nhỏ thó đạp chiếc xe đạp cà tàng vẫn đến với các nghĩa trang liệt sĩ để tìm thông tin... |
tgcc |
Thế nhưng, có một vết thương thật khó lành, cứ âm ỉ đớn đau trong lòng người, khó mà nguôi ngoai đi được.
Đó là nỗi đau của những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha vì chiến tranh, vì đạn bom của kẻ thù. Đành rằng những liệt sỹ anh hùng ấy đã hy sinh vì Tổ quốc, máu xương của họ đã hóa thành màu xanh bất diệt của cây lá, màu tươi thắm của trái hoa – máu xương của họ đã hóa thành gió núi, sương ngàn, thành trăng sao đất nước. Thế nhưng những người mẹ, những người vợ, những người con, những người thân yêu của họ lúc nào cũng khát khao được đón họ một lần (một lần cuối cùng) được trở về nhà – trở về ngôi nhà thân yêu – ngôi nhà mà họ đã được sinh ra, được dưỡng nuôi từ dòng sữa ngọt lành và lời ru thiết tha của mẹ - dẫu chỉ còn là một nắm xương khô, một nắm đất nơi họ đã bao năm nằm đó với nắng mưa sương gió bão bùng...
Hàng vạn, hàng vạn, hàng vạn những con người anh hùng đã ngã xuống chiến hào cho mảnh đất này có độc lập tự do mãi mãi.
Hàng vạn, hàng vạn hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang, nhưng còn hàng nghìn, hàng vạn liệt sĩ đến bây giờ - sau một phần tư, một phần ba, một phần hai thế kỷ - vẫn chưa biết nằm ở nơi đâu?
Các cấp chính quyền, các cơ quan chính sách, các hội đồng đội và hàng nghìn người thân, gia đình của liệt sĩ đã hàng trăm, hàng nghìn lượt tổ chức đi tìm hài cốt liệt sĩ. Nhưng đến nay, vẫn còn hàng nghìn, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy tăm tích.
Có một người đã đau đáu với nỗi niềm của hàng vạn, hàng vạn những người mẹ, người vợ, người con, người thân của liệt sĩ như thế. Có một người đã chia sẻ trách nhiệm với các cấp, các ngành, các cơ quan chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện của xã như thế. Có một người có trái tim đập cùng nhịp với trái tim của những đồng đội của các liệt sĩ như thế.
Bất kể ngày nắng hay mưa, mùa hè nóng bức hay ngày đông lạnh giá…, người cựu chiến binh gầy gò nhỏ thó đạp chiếc xe đạp cà tàng vẫn đến với các nghĩa trang liệt sĩ, từ xã này sang xã khác, từ miền núi đến miền xuôi, từ miền Bắc đến miền Trung Trường Sơn, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ đất liền đến hải đảo để tìm thông tin liệt sĩ, suốt gần một phần ba thế kỷ qua.
Đó là một cựu chiến binh quê lúa tên là Lê Văn Cam, sinh năm 1937 hiện ở đội 10 xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình.
Ông Cam kể: năm 1959, ông vào bộ đội ở E5 F320 đóng quân tại Quảng Yên, sau chuyển về đơn vị làm công trình quốc phòng tại Thủy Nguyên rồi chuyển về Lữ đoàn 330 Thanh Hóa, xuất ngũ năm 1963. Năm 1967, ông Cam lại tái ngũ, tham gia chiến dịch Na Thằng (Lào). Năm 1969 vì yếu sức khỏe, ông xin về quê cùng vợ làm ruộng.
Chúng tôi hỏi ông: cơ duyên nào dẫn ông cứ đau đáu một nỗi niềm đi tìm thông tin liệt sĩ? Ông tâm sự:
Ông đi tìm thông tin liệt sỹ từ những ngày giá rét cách đây gần 30 năm (1997). Nguyên do là thời ở bên Lào, ông có chôn cất người đồng đội là Trịnh Bá Chân hy sinh trong một trận chiến đấu đặc biệt, khi đứng dưới hố cá nhân bắn, từ trên núi cao địch phát hiện và quả đạn pháo đã nổ trước mặt khiến ông bị bay mất đầu, khi mai táng ông Chân, ông Cam đã hứa với lòng mình nếu còn sống trở về sẽ đi tìm anh và thông tin cho gia đình biết.
Ông Chân hy sinh. Ông Cam là người đã ở bên ông Chân cho đến phút cuối cùng. Ông Cam đã chôn cất ông Chân.
Sau này nhân một chuyện tình cờ khi đến báo tin cho thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Nghĩa quê Đông Sơn, Đông Hưng cũng hy sinh tại Lào, được gặp người chú là Nguyễn Văn Thậm thì mới biết rõ là liệt sĩ Chân cùng công tác với ông tại bưu điện Lai Châu và hai anh em cùng sang Lào.
Sau khi xuất ngũ, vì gia đình khó khăn, các con còn nhỏ, ông Cam chưa có điều kiện đi tìm. Nhưng đến năm 1997, khi các con đã lớn, ông mới có thể thực hiện lời hứa với đồng đội.
Thế là nghe nói chỗ nào có nghĩa trang liệt sĩ bên Lào chuyển về là ông tìm đến, mong tìm được đồng đội năm xưa, hiện nay ông đã thu thập được trên năm vạn thông tin liệt sĩ, vậy mà tên liệt sĩ Chân vẫn bặt vô âm tín, mặc dù khi chôn ông Chân trong một quan tài công binh đã hộp sẵn, ghi tên đầy đủ và mai táng trên một quả đồi đất không cao lắm, huyệt chôn ông Chân cũng do công binh đã chuẩn bị. Như thế là hành trình đi tìm ông Chân không thấy, nhưng ông Cam thấy còn nhiều, rất nhiều liệt sĩ khác nên ông ghi chép để về báo với gia đình thân nhân. Thế là từ đấy Lê Văn Cam đã gắn bó đời mình với những thông tin liệt sĩ.
Với chiếc xe đạp cà tàng cùng chiếc túi vải bên trong đựng quyển sổ và cây bút, cựu chiến binh Lê Văn Cam đã đi suốt chiều dài đất nước, suốt gần một phần ba thế kỷ qua, ghi chép đầy đủ thông tin về liệt sĩ (trước hết là quê Thái Bình, sau là quê ở các tỉnh khác) rồi gửi về cho thân nhân liệt sĩ.
Hàng nghìn gia đình không biết con mình, anh mình, em mình, chồng mình, bố mình hy sinh ngày tháng năm nào, hiện hài cốt còn nằm ở đâu, hay đã được quy tập về nghĩa trang nào.
Ông Lê Văn Cam đã có trong tay hơn năm vạn thông tin liệt sỹ, đã viết và gửi hai vạn lá thư báo về các gia đình thân nhân liệt sỹ và ông cũng đã nhận được hơn tám nghìn lá thư hồi âm.
Chúng tôi đã đọc một số thư trong những chồng thư ấy.
Lá thư của chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm Khau Thua, xã Ngọc Xuân, TP Cao Bằng (con gái liệt sỹ Nguyễn Văn Lệnh) có đoạn viết “công ơn của bác thật sâu nặng đối với gia đình cháu. Hoàn cảnh cháu còn gặp nhiều khó khăn chưa đến thăm bác được. Từ ngày cháu tìm được mộ bố là ngày 2.7.1999 âm lịch, đã bảy năm rồi, cứ đến ngày 27.7 cháu lại nhớ đến bác”. Mới đây nhất, gia đình ông Võ Văn Quang ở xã Tân Tiến (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) sau khi nhận được tin báo của ông Cam – đã lên đường vào Kon Tum đón liệt sĩ Tạ Văn Bịch (Bệch) về quê sau gần 50 năm xa cách.
Đọc những lá thư ấy, là những người lính, chúng tôi người nào cũng rơi lệ.
Có những bà mẹ đã mắt mờ chân chậm từ lâu, tóc bạc da mồi từ lâu, “mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng” nhưng vẫn cố chờ được tin con rồi mới thanh thản “về giời”.
Có những người vợ mới được làm vợ một ngày nhưng đã vò võ chờ chồng suốt một phần ba, rồi một phần hai thế kỷ, biết là chồng hy sinh, đã chết đi một nửa trái tim, nhưng vẫn cố chờ để được đón nắm xương người chồng vô vàn thương nhớ. Biết được mộ phần của chồng, “cô gái má hồng răng trắng” nửa thế kỷ trước (nay thành một bà già) đã đến phủ phục bên mộ chồng mà khóc (nhưng “cô gái má hồng răng trắng” ấy đã khóc suốt năm mươi năm giời qua, nay còn nước mắt đâu mà khóc nữa?).
Có những người con chưa biết mặt cha. Cha của các anh, các chị ấy đã ra đi từ khi các anh các chị ấy còn trong bụng mẹ. Bây giờ các anh các chị ấy chỉ còn biết thắp nén hương trầm lên nấm đất khóc cha thôi...
Và, những con người thân thương ấy, những con người có trách nhiệm trong các cơ quan chính sách, những người đồng đội trong các hội đồng đội của các liệt sĩ, và tất cả chúng ta – ai cũng đều trân trọng – việc làm nghĩa cử của người cựu chiến binh Lê Văn Cam.
Những việc làm nghĩa cử của cựu chiến binh Lê Văn Cam đã lan tỏa trong cả nước.
Nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ đã gửi tem, phong bì cho ông. Có người đã biếu ông chiếc máy vi tính để ông làm việc. Có người đã biếu ông chiếc xe đạp điện để ông làm phương tiện đi lại.
Đặc biệt con gái và con dâu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã về thăm, động viên và tặng quà cho ông vào một ngày mùa thu năm 2008.
Ông nói rằng ông còn sống ở trên đời này ngày nào, ông còn đi tìm thông tin liệt sĩ - cho cuộc đời này vơi bớt những nỗi đau... |
tgcc |
Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, cơ quan chính sách, Hội Cựu chiến binh từ xã đến thành phố và tỉnh cùng bà con nhân dân đã thường xuyên đến thăm, động viên ông.
Ông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Lao động Thương binh xã hội Thái Bình tặng bằng khen và nhiều giấy khen về những việc làm nghĩa cử trên.
Những năm sau này, một phần vì không đủ kinh phí mụa tem, phong bì, một phần là do có máy vi tính, nên ông gửi thự cho thân nhân liệt sĩ bằng email.
***
Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhiều hơn trước, nhưng trong lòng người cựu chiến binh Lê Văn Cam lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm đi tìm thông tin liệt sĩ. Nửa thế kỷ qua rồi, nhưng vẫn còn hàng nghìn, hàng nghìn thân nhân liệt sỹ chưa biết con mình, anh mình, em mình, chồng mình, ông mình, bố mình hiện đang nằm ở nơi nao. Vì thế, cựu chiến binh Lê Văn Cam vẫn còn phải đi tìm, còn phải đi tìm chưa biết đến khi nào mới xong ...
Ông tâm sự: nếu tìm được thông tin báo cho gia đình thân nhân liệt sĩ biết thì trong lòng ông mới thấy được thanh thản một phần.
Ông nói rằng ông còn sống ở trên đời này ngày nào, ông còn đi tìm thông tin liệt sĩ - cho cuộc đời này vơi bớt những nỗi đau, cho những nỗi đau chiến tranh trong lòng người nguôi ngoai dần, cho những vết thương chiến tranh trong lòng người dần dà lành lại... Cho ngày mai, cho ngày mai tươi sáng hơn.
Bình luận (0)