Bộ Tài chính Nga: Tiền ảo cuối cùng sẽ được chấp nhận và quản lý

15/10/2017 11:11 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vừa công bố chi tiết hoạt động đánh giá tiền ảo mà nước này đang thực hiện, cho hay loại tiền này là thực tế cần theo dõi song cuối cùng phải được chấp nhận và quản lý.

Theo CNBC, ông Anton Siluanov nói bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) diễn ra ở Washington D.C.: “Tiền ảo là thực tế cuộc sống. Chúng ta cần tạo ra khuôn khổ pháp lý cho chúng, chúng ta cần kiểm soát chúng nếu các hoạt động của chúng trái với luật pháp, trong đó có luật về chống rửa tiền”.
Khi nói đến các loại tiền ảo, không chỉ bitcoin, ông Siluanov cho hay Nga đang lên kế hoạch ra quy định nhà nước về hoạt động khai thác, lưu thông và mua bán chúng. Điều này không chỉ tạo ra nguồn thu thuế, mà còn bảo vệ người dân và giới đầu tư có đầu tư tiền ảo.
“Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc. Nhà nước nhìn thấy các rủi ro có thể nảy sinh trong hoạt động mua và bán các loại tiền ảo, đặc biệt là đối với người dân, những người không phải lúc nào cũng hiểu biết đầy đủ”, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết.
Trước khi ông Siluanov đưa ra nhận định này, nhiều nhân vật hàng đầu trong giới doanh nhân và tài chính đã thảo luận sôi nổi về tiền ảo. Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định tiền ảo có thể tạo nên sự thay đổi lớn. Ngược lại, CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon thì cho rằng bitcoin là “lừa đảo”. Tại hội nghị Viện Tài chính Quốc tế hôm 13.10, ông còn nói thêm: “Nếu bạn đủ ngu ngốc để mua nó thì một ngày nào đó, bạn sẽ phải trả giá”. CEO BlackRock Larry Fink cũng thận trọng khi gọi bitcoin là “chỉ số rửa tiền”.
Về phần mình, ông Siluanov cho hay Nga đang phân tích kinh nghiệm từ các nước khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. “Trên thực tế, ở Mỹ, tiền ảo cũng chịu nhiều quy định, trong đó có luật xem nó như loại hàng hóa chứng khoán. Vì thế, chúng tôi cho rằng việc thờ ơ với những gì đang diễn ra xung quanh tiền ảo thật không đúng”, Bộ trưởng Tài chính Nga nói.
Ông Siluanov cũng không loại trừ ý kiến cho rằng tiền ảo một phần tài trợ cho các hoạt động phạm pháp và đây là nỗi lo của nhà nước. Hiện Nga và Trung Quốc là hai nước có quy định chặt chẽ nhất về bitcoin. Quan điểm của Nga trái với một số quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản, nước vừa thông qua luật cho phép các hãng bán lẻ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.

tin liên quan

Ngân hàng JPMorgan Chase bỗng cởi mở với bitcoin
Khi giá bitcoin vượt mốc 5.200 USD, ngân hàng JPMorgan Chase & Co. vừa cùng các đối thủ Phố Wall thể hiện sự sẵn sàng trong việc tham gia vào hoạt động kinh doanh và nghiên cứu tiền ảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.